Ba Tri không nghèo nữa

Xã hội - Ngày đăng : 20:19, 23/03/2023

Là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, trước đây, hình ảnh những căn nhà lá đơn sơ nghèo nàn nép mình bên những rừng cây, con đường làng đã ăn sâu vào ký ức với mỗi ai đã từng đến với xứ sở này. Thế nhưng, sau những nỗ lực giảm nghèo từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả đã mang đến diện mạo mới cho miền quê biển Ba Tri, đời sống nhân dân nơi đây ngày càng được cải thiện, đổi thay.

Trong cái nắng rát da người giữa tháng ba, chúng tôi có dịp xuôi về vùng làng quê ven biển Ba Tri (Bến Tre). Quả thật, có đi mới cảm nhận hết được những đổi thay trên từng vùng đất của xứ sở này. Trở lại đây, trong ghi nhận của chúng tôi, Ba Tri giờ đây đang thay da đổi thịt từng ngày, hàng ngàn hộ dân từ cảnh nghèo khó đã bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Có được những đổi thay này chính là nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sum (xã An Ngãi Tây) là một trong những minh chứng cho sự đổi thay tích cực này. Vợ chồng ông và 2 con trước đây sống đời sống khó khăn. Bản thân ông quanh năm suốt tháng đi làm thuê trên tàu biển, vợ ông ở nhà chăn nuôi bò và chăm 2 con đi học; lao động vất vả, sinh hoạt tằn tiện nhưng lúc nào cũng thiếu ăn.

Ông Sum trải lòng: “Khi tham gia đề án sinh kế thoát nghèo bền vững với mô hình nuôi bò sinh sản và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, gia đình tôi đã có được nguồn vốn đầu tư thêm để chăn nuôi bò, đồng thời được vay vốn Ngân hàng Chính sách huyện để phát triển kinh tế, được địa phương bố trí cho 2 con tham gia thị trường lao động có thời hạn tại nước ngoài (chương trình do địa phương tổ chức). Từ nguồn thu nhập ổn định và biết cách tích lũy, vừa qua, hộ tôi được chính quyền địa phương đánh giá là đã thoát nghèo bền vững”.

h1.jpg
Mô hình nuôi dê sinh sản tại Ba Tri đang dần phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo

Cách đó không xa là gia đình chị Nguyễn Thị Nguội, hiện tại hàng tháng, gia đình chị có thu nhập ổn định và đã xây được một căn nhà kiên cố. Chị Nguội vui vẻ cho biết, trước khi tham gia mô hình, chị là phụ nữ đơn thân, nuôi con nhỏ, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, nhà có ít đất sản xuất. Năm 2019, chị được Hội phụ nữ xã An Ngãi Tây và Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD Bến Tre) của tỉnh hỗ trợ một cái máy may để nhận hàng về may gia công. Năm 2020, chị đăng ký tham gia đề án sinh kế và được hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2021, cuộc sống kinh tế gia đình ổn định, chị Nguội xin thoát nghèo và hiện tại là hộ thoát nghèo bền vững.

Mỗi một vùng đất có một đặc thù riêng, vì vậy, cán bộ phải tìm ra cho địa phương mình hướng đi phù hợp. Ba Tri đã và đang đi con đường như thế bằng cách khuyến khích những mô hình vừa nhanh chóng đạt mục tiêu giảm nghèo, vừa giữ được mục tiêu ấy một cách lâu bền. Làm việc với UBND huyện Ba Tri, chúng tôi được biết, thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn ưu đãi gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo. Trong đó, điển hình là mô hình giảm nghèo 5+1 của Hội Cựu chiến binh xã Tân Xuân; mô hình Tổ hợp tác hỗ trợ vốn không lời của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Phú Trung và An Đức; mô hình chăn nuôi kết hợp lao động tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại xã An Đức…

Nhìn vào con số của Ba Tri, quả là không thể không khâm phục. Ba Tri có 5.764 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền gần 226,5 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 111 căn nhà tình thương cho người nghèo với kinh phí trên 5,8 tỷ đồng; xây dựng 18 công trình tại 9 xã bãi ngang ven biển với tổng kinh phí 61 tỷ đồng… Ngoài việc hỗ trợ vốn, các tổ chức Hội trên địa bàn huyện còn theo dõi, hướng dẫn cách làm ăn, vận động hội viên nghèo tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, kỹ thuật chăn nuôi… kết hợp với điều kiện, nguồn lực, nhân lực; trong đó đặc biệt nhất là định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm cho con em hộ nghèo có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.

Trong cuộc nỗ lực chạy nước rút về giảm nghèo ấy, những giải pháp, mô hình hiệu quả, thiết thực, đến cuối năm 2022, huyện Ba Tri còn 4.177 hộ nghèo, với 13.907 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 7,55% so với tổng số hộ dân trên địa bàn, giảm 1,58% so với cuối năm 2021.

h2.jpg
Các tuyến đường giao thông, bộ mặt nông thôn ở Ba Tri từng bước được thay đổi

Tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại là cách áp dụng mới đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững hiện nay. Trao đổi về công tác giảm nghèo tại địa phương, ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, điểm nổi bật trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở Ba Tri đó là địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Huyện đã căn cứ vào đặc điểm tình hình và kế hoạch của địa phương, chủ động thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án, hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội. Công tác vận động hỗ trợ hộ nghèo cũng luôn được các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các nhà hảo tâm tích cực ủng hộ, giúp đỡ. Thông qua đó đã giúp tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án, mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt là đối với các xã bãi ngang ven biển còn khó khăn nhằm tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của địa phương.

Vui là vui vậy, nhưng trong lòng Phó Chủ tịch Trần Văn Hoàng vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn. Thời gian qua do tình trạng hạn mặn và dịch Covid-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân nơi đây. Hơn nữa, hiện nay thiên tai và dịch bệnh cơ bản ổn định nhưng giá cả một số mặt hàng nông sản của người dân còn lệ thuộc thương lái và nguồn tiêu thụ sản phẩm chưa tập trung, làm ảnh hưởng rất lớn nguồn thu nhập của người dân trên địa bàn, nhất là đối với những hộ nghèo.

Trong kế hoạch của huyện, Ba Tri đang kiến nghị nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia đề án sinh kế, mô hình thoát nghèo cần được hỗ trợ theo hướng phù hợp với điều kiện, nguồn lực, năng lực của hộ gia đình chứ không mang tính chất cào bằng. Như vậy có nghĩa là cán bộ phải sát sao hơn, vất vả hơn nhưng bù lại, đồng vốn hỗ trợ sẽ được phân bổ hiệu quả hơn, giúp các hộ tham gia có thoát nghèo bền vững theo đúng thế mạnh mà họ có.

Quan tâm thôi chưa đủ, mà phải quan tâm đúng cách, đúng người. Thực tiễn ở Ba Tri cho thấy, công tác giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm, và quan tâm một cách khoa học, ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Và một trong những bài học kinh nghiệm đó là Ba Tri luôn xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Ba Tri đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân, của những hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Ba Tri từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi. Những ngôi nhà nghèo nàn nép mình bên vệ đường xưa giờ đã vươn lên thành nhà tường, mái ngói; miếng cơm manh áo giờ không còn là nỗi lo thường trực nữa. Sức sống mạnh mẽ ấy bắt nguồn từ dồn sức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo; và hơn hết là những nỗ lực của những người dân bình dị, chăm chỉ, luôn khao khát cháy bỏng một cuộc sống an lành, tốt đẹp.

Bạch Thanh