Nắng nóng ở đồng bằng đến sớm hơn trung bình 1 tháng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:16, 23/03/2023
Tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ, duy trì trong các ngày 22-23/3; từ ngày 24/4 nắng nóng giảm dần.
Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ, duy trì trong khoảng từ ngày 22/3 đến ngày 24/3.
Từ ngày 25/3, nắng nóng ở các khu vực trên sẽ giảm dần; trong đó trọng tâm vùng nắng nóng lần này vẫn là khu vực vùng núi phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, vì ở khu vực còn có thêm tác động của gió phơn khô nóng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm: Theo thống kê, nắng nóng ở miền Trung, Tây Bắc Bộ thường bắt đầu vào giữa tháng 4, còn ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội thường vào khoảng nữa tháng 5.
Như vậy, năm nay nắng nóng ở miền Trung đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng nửa tháng, còn ở vùng đồng bằng và thủ đô Hà Nội đến sớm hơn so với TBNN khoảng hơn 1 tháng; với vùng đồng bằng Bắc Bộ năm gần nhất xảy ra nắng nóng xuất hiện vào tháng 3 là ngày 4/3/2003, tức là đã cách đây 20 năm.
Dự báo sơ bộ về tình hình thời tiết năm 2023, ông Hưởng thông tin, hiện tượng La nina đang kết thúc, khả năng cuối năm chuyển sang trạng thái El Nino và có thể duy trì cho đến nửa đầu năm 2024.
Về bão/áp thấp nhiệt đới, xuất hiện trên Biển Đông tương đương với TBNN, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng xấp xỉ với TBNN (khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền).
Tổng lượng mưa năm 2023 ở mức thấp hơn đến tương đương TBNN; ít có khả năng mưa lớn diện rộng lịch sử, tuy nhiên mưa lớn cục bộ sẽ vẫn xuất hiện thường xuyên.
Trong khi đó, nắng nóng xuất hiện sớm so với trung bình ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ và có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn so với năm 2022.