Niềm tự hào của người “bắt bệnh trời”

Môi trường - Ngày đăng : 06:47, 23/03/2023

(TN&MT) - Đầu năm 2023, GS. TSKH. Nguyễn Đức Ngữ - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đã vinh dự được nhận Huân chương Độc lập. Ông đón nhận niềm vinh dự này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 lĩnh vực KTTV vào đầu tháng 1 năm nay.

“Vinh dự này là công sức của… chung”

Chia sẻ về niềm tự hào, “cây cổ thụ” trong ngành KTTV bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và lời cảm ơn chân thành về sự cộng tác, ủng hộ và giúp đỡ của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động đã và đang công tác trong ngành KTTV đối với ông trong suốt 68 năm qua cho đến nay. Ông nói: “Dù bản thân tôi luôn nỗ lực cống hiến nhưng nếu không có sự góp sức của anh em đồng nghiệp thì tôi không có được vinh dự này”.

13.jpg

Đầu năm 2023, GS. TSKH. Nguyễn Đức Ngữ - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (bên trái) vinh dự được nhận Huân chương độc lập của Chủ tịch nước vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác

Ông rất vui mừng và tự hào chứng kiến sự phát triển không ngừng của Ngành KTTV trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, từ khi ngành được khôi phục hoạt động năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, với điều kiện ban đầu hết sức khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt; gian khổ và cả hy sinh, mất mát, đúng với hai từ “nghèo nàn, lạc hậu”.

Đến nay, ngành đã phát triển toàn diện, từ thể chế, chính sách, luật pháp, trong đó, đặc biệt là Luật Khí tượng Thủy văn, tổ chức, cán bộ đến các hoạt động nghiệp vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo, dự báo, phục vụ, thông tin liên lạc, hợp tác quốc tế, với trên 1.500 điểm, trạm quan trắc, trong đó 40% được tự động hóa, đã phục vụ ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Chứng kiến những thành tựu đó làm ông nhớ lại đầu năm 1956, khi ông được Nha Khí tượng cử đi xây dựng trạm khí tượng Yên Bái và tổ chức quan trắc sớm. Việc đầu tiên của ông là vào làng tìm mua một cây tre đủ độ dài 10m, chẻ hai thanh tre buộc thành hình chữ thập vào cây tre, trên ngọn buộc một dải lụa rồi dựng lên, lấy la bàn căn chỉnh cho đúng bốn hướng chính và chôn ngay giữa sân của Ty Bưu điện Yên Bái, dựng thêm một thùng đo mưa bên cạnh, thế là thành một trạm khí tượng và tiến hành quan trắc, thảo mã điện rồi chuyển cho bưu điện phát báo ngay.

Thời điểm đó, nhiều máy móc, thiết bị, vật tư kỹ thuật thông thường thiếu thốn, nếu hỏng là không có để thay, ví như ẩm kế tóc, nhiều khi sợi tóc bị đứt, các cán bộ kiểm định phải nối lại từng sợi tóc để tiếp tục sử dụng; bút chì là vật tư không thể thiếu cho quan trắc viên ghi sổ quan trắc nhưng cũng không đủ, nhiều trạm anh em phải ghi bằng bút mực, trái với quy phạm quan trắc.

Ông nhớ lại, vào một lần Hội nghị ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đến dự, anh em báo cáo với Thủ tướng về việc này, Thủ tướng trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi cười phá lên và nói: “Bây giờ, đến Thủ tướng cũng chịu”.

Nhà trạm quan trắc hầu hết là nhà cấp 4 và nhà tranh, ông đến thăm Trạm khí tượng Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, trạm nằm trên một bãi cát, đúng là một túp lều, cát bay lấn dần vào lưng nhà trạm, còn trạm thủy văn thì có trạm, không có đường vào, muốn vào trạm phải ngồi thuyền và chèo vào.

Ông nhớ, năm 1967, sau khi hoàn thành biên soạn khí hậu tỉnh Hà Tĩnh và trở về Hà Nội, đến năm 1968, ông lại lần thứ hai đạp xe từ Hà Nội vào điều tra, khảo sát nghiên cứu, biên soạn khí hậu tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh theo yêu cầu của cấp trên, đi qua không biết bao nhiêu tụ điểm bắn phá của địch. Ông muốn ra thăm trạm khí tượng Cửa Tùng vừa bị bắn phá, đồng chí Trưởng trạm bị hy sinh, nhưng chính quyền địa phương nhất quyết không cho ra thăm vì sợ nguy hiểm. Lúc đó, các trạm khí tượng, thủy văn của chúng ta đều là mục tiêu bắn phá của địch, nhiều quan trắc viên đã hy sinh trong lúc tiến hành quan trắc.

Niềm vui đi cùng trăn trở

Hiện nay, nhờ thiết bị, công nghệ hiện đại, mọi việc đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Chẳng hạn, trước kia, nhiều trạm phải xác định tốc độ gió bằng độ beaufort (xem cành cây, nghiêng ngả theo gió để suy đoán tốc độ gió), nhiều khi ban đêm có sương mù hoặc mưa phùn, dùng đèn pin chiếu lên phong tiêu cũng chẳng nhìn thấy gì, phải trèo lên cột gió xem, bây giờ toàn là máy gió tự động, báo cả hướng và tốc độ gió, quan trắc viên ngồi trong nhà cũng biết được.

Ông nhớ, hồi công tác ở Đài Khí tượng Thủy văn Yên Bái, mỗi lần trạm Thủy văn đo lưu lượng nước trên sông Hồng trong mùa lũ, trong dòng nước lũ chảy xiết, ông phải cùng các anh em ở trạm thủy văn kéo dây song qua ngang sông để đo, rất vất vả và nguy hiểm, có những lần dây song bị trôi về phía hạ du quá tuyến đo, thế là phải kéo lại từ đầu. Có lần đang đo thì bè tre nứa từ thượng nguồn lao thẳng về hướng vào thuyền đo, anh em phải chặt neo để thuyền trôi xuôi, tránh tai nạn.

Còn về dự báo, việc thu thập thông tin từ các trạm đều phải nhờ bưu điện đánh Morse, các điền đồ viên phải sử dụng bút hai ngòi với hai mầu mực xanh và đỏ để điền số liệu thu được lên bản đồ thời tiết, sau đó các dự báo viên vẽ đường đẳng áp và đẳng nhiệt bằng bút chì để phân tích hình thế synop và dự báo thời tiết. Không có bất cứ thông tin quốc tế nào để tham khảo.

Bây giờ mọi thứ đều tự động và các sản phẩm dự báo được tham khảo, trao đổi với nhiều trung tâm dự báo khu vực và thế giới; phương pháp dự báo thời tiết bằng các mô hình số trị thủy động đã nâng cao độ chính xác và thời hạn dự báo trước...

Công nghệ hiện đại là thế, nhưng điều ông quan tâm, lo lắng hiện nay là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đến sự phát triển của toàn thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu chưa có gì cải thiện, ngược lại có biểu hiện ngày càng xấu đi. Hàm lượng các khí nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên, đạt mức cao nhất lịch sử, gây ra nhiều kỷ lục về các hiện tượng khí hậu cực đoan, nổi bật là nhiệt độ cao nhất và mưa lũ ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều mục tiêu đặt ra trong nỗ lực ứng phó toàn cầu theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu không đạt được. Mặt khác, nhận thức về biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó còn nhiều hạn chế, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất ổn.

Thứ nữa, điều ông trăn trở đối với ngành KTTV là công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ cao. Thời gian tới, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự hội nhập quốc tế sâu rộng, các thiết bị và công nghệ hiện đại hơn có thể được trang bị cho ngành, song việc khai thác, sử dụng chúng lại phụ thuộc vào con người, tức là cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao trong từng lĩnh vực cụ thể mà việc đào tạo cần có thời gian dài.

Ngành cần có chiến lược đào tạo, chú ý đối với lớp người trẻ có triển vọng, để họ trở thành những chuyên gia thực sự, nắm vững và làm chủ khoa học, công nghệ trong từng chuyên ngành. Ông đề nghị Bộ TN&MT và Tổng cục KTTV quan tâm, chỉ đạo.

Ông mong rằng, ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, tiếp tục phát triển, thu được nhiều thành tích hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Mai Huy