Hiệu quả kinh tế từ vườn chanh lớn nhất Gia Lai

Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 22/05/2015

(TN&MT) - Vườn chanh có một không hai trên địa bàn tỉnh Gia Lai của gia đình ông Nguyễn Văn Lăng (49 tuổi), ở thôn Ia Só (xã Hbông, huyện Chư Sê) đã và đang mang về lợi nhuận kinh tế đáng ngưỡng mộ, là mô hình để nông dân trong khu vực học tập.

Năm 2009, chọn huyện Chư Sê làm đất lập nghiệp, trong khi nhà nhà đua nhau trồng tiêu, cà phê, cao su... thì ông Nguyễn Văn Lăng lại chọn giống chanh Hớn Quản từng nổi tiếng đem về lãi ròng cả trăm triệu mỗi năm cho nông dân Bình Phước, để bắt đầu khởi nghiệp.

images1065015_2_hoa.gif

Vốn liếng hạn hẹp, ban đầu ông Lăng trồng thử nghiệm 150 gốc chanh. Thấy ổn, ông chiết cây giống để trồng thêm 600 gốc nữa. Sau một vài năm thu bói, vườn chanh nhà ông đã đi vào chu kỳ cho thu hoạch ổn định. “Trung bình một năm, mỗi gốc chanh cho thu không dưới 50kg. Với mức giá dao động từ 22 - 30 ngàn đồng/kg chanh tươi, 600 gốc chanh đã đem về nguồn thu trên dưới 700 triệu đồng, trong khi chi phí trồng chanh chỉ vào khoảng 10% tổng số tiền thu về. Thị trường thì vô cùng, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu”, ông Lăng phấn khởi nói.

Thấy có lãi, mùa mưa năm 2014, ông Lăng quyết định trồng thêm 1.000 gốc chanh tứ quý và 180 cây bưởi da xanh. “Cây chanh rất hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Gia Lai. Cách trồng cũng không khó, cứ duy trì lượng phân chuồng dồi dào, làm sạch cỏ dại và tỉa bớt chồi cành. Vào mùa khô thì tưới nước vài ngày một lần để giữ độ ẩm cho cây tươi tốt, trổ bông. Chanh rất nhanh cho thu hoạch, cứ đặt cây chiết xuống là năm tới đã có quả. Một, hai năm sau là bắt đầu cho năng suất ổn định”, ông Lăng chia sẻ.

Ông Lăng đang thu hoạch chanh trong vườn.

Xen giữa vườn chanh đã cho thu hoạch, ông còn trồng 500 trụ hồ tiêu trên trụ sống là cây trôm. Theo ông Lăng, việc trồng xen các cây với nhau vừa tiết kiệm đất, vừa tận dụng nguồn nước tưới và phát huy tối đa hiệu quả của phân bón, tránh tình trạng bị thất thoát trong đất. Cây trôm sau 3 - 4 năm còn cho khai thác mủ trôm, dùng để sản xuất nước giải khát, mỹ phẩm làm đẹp…

images1065017_1_hoa.gif

Ông Lăng cân chanh bán cho khách lẻ tới mua tại vườn

Nhiều nguời thấy hướng đi của ông Lăng thu lợi lớn, lại an toàn bởi cây chanh không khó chăm sóc và nhiều rủi ro như cây tiêu nên đổ về tìm ông đặt mua cây giống. Riêng mùa mưa năm ngoái ông Lăng đã bán được khoảng 5.000 cây chanh chiết với mức giá 30 ngàn đồng/cây.

“Chỉ tiền bán cây giống cũng đủ để đầu tư cho cả năm rồi”, ông Lăng vui vẻ nói.

Chanh đã được thu, trong khi tiêu cũng đã cho cắt dây giống và năm tới là thu hoạch bói. Chẳng bao lâu nữa, khu vườn của ông Lăng sẽ đem lại nguồn thu bạc tỷ là chuyện không khó. Chọn hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao, bất chấp sự khác biệt đã khó, biết khai thác và tận dụng tối đa việc trồng xen kẽ các loại cây để nâng cao hiệu quả sử dụng trên cùng một mảnh đất lại càng khó hơn.

Tất cả đều là thành quả từ quá trình say mê học hỏi, tìm tòi và dám nghĩ, dám làm. Chính nhờ điều ấy, cộng với đôi bàn tay lao động cần cù, không ngại khó, ngại khổ, vợ chồng ông Lăng đã thu được trái ngọt sau nhiều năm tháng bôn ba, vất vả.

Mô hình trồng chanh trên một mảnh đất hoàn toàn mới, đem lại nguồn thu nhập khá cao đang có một sức hút lớn với nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm như thế.

Bài và ảnh: Quế Mai