Xóa đói giảm nghèo: Phải đi sâu đi sát và tạo điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 14:09, 29/05/2015
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ trong 6 năm, nguồn lực bố trí từ ngân sách Nhà nước và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a đã lên tới 22.189 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 17.051 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ của các doanh nghiệp là 3.138 tỷ đồng.
Bình quân mỗi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 35 - 40 tỷ đồng/năm (cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp); mỗi huyện nghèo hưởng cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 18 - 20 tỷ đồng/năm.
Trên địa bàn các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ nét, kinh tế từng bước phát triển; cơ sở sản xuất đã có sự chuyển dịch theo hướng phi nông nghiệp và sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, đầu ra của sản phẩm được đảm bảo; thu ngân sách trên địa bàn tăng; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện (tăng từ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/năm thời điểm cuối năm 2006 lên khoảng 6,5 - 8 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2010, tăng gấp 2,5 lần và đạt khoảng từ 12 - 13 triệu đồng/nguời/năm vào cuối năm 2014); hầu hết người lao động trong độ tuổi được đào tạo.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) bình quân tại 64 huyện nghèo đã giảm từ gần 378 nghìn hộ cuối năm 2010 xuống còn gần 235 nghìn hộ cuối năm 2014. Tính ra, qua 4 năm, gần 150 nghìn hộ dân đã thoát nghèo, so với tổng số khoảng 700 nghìn hộ tại 64 huyện.
Thế nhưng, tỷ lệ nghèo vẫn còn ở mức cao. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo vẫn gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60 - 70%. Số hộ nghèo kinh niên ngày càng tập trung hơn tại các vùng dân tộc thiểu số.
Điều này cho thấy vấn đề giảm nghèo bền vững để bà con không tái nghèo vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Thực tế, lâu nay trong chuyện xóa đói giảm nghèo, người ta hay nói tới đưa cho người nghèo con cá hay cái cần câu. Hiểu một cách ẩn dụ thì đó là việc nếu đưa cho người nghèo con cá thì người đó sẽ ăn hết ngay, sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo, còn nếu đưa cho họ cái cần câu thì họ buộc phải đi câu lấy cá mà ăn, cũng có nghĩa là hỗ trợ để họ tự vươn lên thoát nghèo.
Nói cách khác, để người nghèo tự thoát được nghèo, điều quan trọng là phải đi sâu đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất là cái gì, những điều kiện nào để họ có thể làm bàn đạp đưa cuộc sống của mình thoát khỏi vũng lầy của sự nghèo đói dai dẳng. Nếu không thực sự lắng nghe họ, nghe từng cộng đồng, từng gia đình thì sẽ vẫn là sự giúp đỡ chung chung, cảm tính, hiệu quả không cao. Việc giám sát các chương trình giúp đỡ người nghèo cũng hết sức quan trọng để khắc phục tình trạng một mặt là giúp đỡ không trúng, mặt khác sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, sai mục đích.