Bình Thuận: Nâng cao các giải pháp ứng phó BĐKH, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:06, 22/03/2023

Những năm gần đây, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhất là đối với các vùng dễ bị tổn thương, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
z4197048101199_55f6ff7ccd4c314e3ec401552bf16c90.jpg
Là địa phương có lượng mưa thấp, tỉnh Bình Thuận thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô


Tác động nhiều vùng

Là một tỉnh cực Nam của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Thuận đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Cụ thể, BĐKH đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm tăng tần suất bão, lũ lụt và hạn hán, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, đối với khu vực ven biển như: TP. Phan Thiết, TX La Gi, huyện Tuy Phong thường xuyên đối mặt với tình trạng nước biển dâng, sạt lở bờ biển. Điều dễ nhận thấy là cứ sau mỗi mùa gió Đông Bắc, đường bờ biển ở một số khu vực của các địa phương này lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, khu du lịch và bãi tắm và ảnh hưởng các hệ sinh thái biển và ven biển.

Còn đối với các huyện miền núi như: Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… lại thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Bình Thuận luôn được đánh giá là địa phương có lượng mưa thấp nhất cả nước. Theo đó, cứ vào mùa khô là các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh, mực nước ngầm hạ thấp, điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước trên lưu vực xảy ra thường xuyên; tốc độ thoái hóa đất ngày càng gia tăng.

Để chủ động ứng phó với BĐKH, nhất là giảm thiểu thiệt hại đối với đời sống, sản xuất của người dân địa phương, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung, xác định rõ các vùng, khu vực, địa bàn chịu sự tác động của BĐKH như: các vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão; vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng; vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ; vùng có địa hình cao, đồi dốc để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó hợp lý.

Hiện, các sở, ngành và các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống hạn, cấp nước sinh hoạt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để đề xuất chỉ đạo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại; tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa, kịp thời khắc phục các sự cố về cầu, cống xung yếu, đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm an toàn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; có giải pháp khắc phục các công trình gây cản lũ, ngập úng khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp.

z4197049109695_da47696f5262a807ad20bfbfcf1f670f.jpg
Nhiều khu vực bờ biển đã được thiết lập hành lang nhằm giảm thiểu xói lở, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng

Ứng phó BĐKH hiệu quả, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất 

Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho biết: Để chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch, chương trình ứng phó với BĐKH.

Theo đó, Sở TN&MT tiếp tục phối phợp với các Sở ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai; đồng thời, tổ chức thu thập thông tin nhanh, kịp thời, chính xác các hình thế bất lợi của thời tiết, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển, sóng mạnh, triều cường, cảnh báo mưa to, lũ lớn để phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trên địa bàn.

Để sử dụng tài nguyên đất đai bền vững trước tác động của BĐKH, làm giảm quá trình thoái hóa đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở TN&MT chủ trì, thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Bình Thuận”. Từ kết quả đánh giá chất lượng đất, Sở TN&MT sẽ phối hợp với cơ quan liên quan lập phương án triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn nước và điều tiết nguồn nước tập trung, dự trữ nước cho mùa khô hạn và hạn chế hiện tượng lũ lụt; đồng thời, hướng dẫn và vận động người dân địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật thích hợp với từng loại đất cụ thể để giữ độ phì nhiêu, màu mỡ của đất, tránh làm thoái hóa đất.
Nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, giảm thiểu xói lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 54 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển là hơn 112,189 km. Hiện, Sở TN&MT đang thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận” giai đoạn 2 với hạng mục “Xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận”, thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 02/2024.

Linh Nga