Điện Biên: Hiệu quả của Chương trình " Mái ấm nghĩa tình, An sinh xã hội"
Xã hội - Ngày đăng : 14:06, 22/03/2023
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” tỉnh Điện Biên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn hơn 4.100 hộ nghèo cần được hỗ trợ làm nhà ở, nhiều nhân dân các khu vực vùng cao biên giới cuộc sống còn nhiều khó khăn mong muốn được hỗ trợ sinh kế, tạo thu nhập ổn định.
Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, An sinh xã hội” tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước phát động vào giữa tháng 5/2022 tại Lễ khánh thành Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là chương trình ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), đồng thời tri ân các gia đình chính sách, hỗ trợ các hộ nghèo giảm bớt khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ngay khi phát động chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Tổng số tiền tài trợ nhận được là hơn 60,4 tỷ đồng. Từ thời điểm phát động đến hết năm 2022 đã có 1.169 ngôi nhà được hoàn thành và bàn giao cho các hộ gia đình sử dụng, tập trung ở các huyện khó khăn như: Tủa Chùa; Tuần Giáo; Mường Ảng; Điện Biên; Mường Chà; Nậm Pồ; thị xã Mường Lay.
Các hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà đều vui mừng, phấn khởi, nhiều gia đình có thành viên trong độ tuổi lao động đều làm đơn cam kết phấn đấu xin thoát nghèo sau khi được hỗ trợ làm nhà. Từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên, củng cố phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh.
Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, song tiến độ thực hiện cũng như số lượng nhà làm cho người nghèo của huyện Tủa Chùa tương đối tốt, đẹp và chắc chắn, phát biểu tại Hội nghị, ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, chia sẻ kinh nghiệm: Để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có kinh phí để làm nhà. Thường trực huyện ủy đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bố trí kinh phí và hỗ trợ, hướng dẫn người dân có nhu cầu vốn vay làm nhà thủ tục theo quy định. Đồng chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án bố trí lực lượng tại chỗ và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phòng ban chuyên môn sẵn sàng phối hợp với địa phương hỗ trợ các hộ làm nhà. Giao phòng Kinh tế - hạ tầng huyện tham mưu các mẫu nhà vừa phù hợp với văn hóa dân tộc, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, vừa đảm bảo thẩm mĩ, bền đẹp.
Song song với đó, Ban Thường vụ huyện ủy, giao nhiệm vụ cho từng ủy viên BCH, Ban Thường vụ phụ trách các xã đôn đốc và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ huyện ủy về kết quả triển khai trương trình tại các xã, thị trấn. Đồng thời thành lập 3 đoàn kiểm tra, nghiệm thu bàn giao nhà cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công trình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tính đến ngày 07/12/2022, toàn huyện Tủa Chùa đã nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng 366 căn nhà, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng Ban thường trực cho biết: Có được kết quả này là nhờ sự thống nhất, sát sao từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân; công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai làm nhà được thực hiện thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc phân bổ kinh phí được ban chỉ đạo thực hiện theo giai đoạn theo đúng quy định, đảm bảo kinh phí tài trợ làm nhà được bàn giao đầy đủ đến các hộ gia đình thực hiện làm nhà.
Tuy nhiên với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn với trên 47.000 hộ nghèo (chiếm khoảng 35%) nên tỉnh hiện vẫn còn 4.108 hộ nghèo cần được hỗ trợ làm nhà ở, nhân dân các khu vực vùng cao biên giới cuộc sống còn nhiều khó khăn, mong muốn được hỗ trợ sinh kế, tạo thu nhập ổn định.
Do đó Ban Chỉ đạo chương trình “Mái ấm nghĩa tình, An sinh xã hội” tỉnh Điện Biên mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các nguồn lực ủng hộ trong và ngoài tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ chương trình này. Đồng thời sẽ tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân, tương ái”, đẩy mạnh các hoạt động ủng hộ, chăm lo đời sống cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhân Hội nghị này tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen cho 25 tập thể và 13 cá nhân.