Nước..! Yếu tố thoát nghèo bền vững

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:31, 22/03/2023

(TN&MT) - Nước là để duy trì sự sống và mọi hoạt động kinh tế xã hội, đóng vai trò tiên quyết trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh Điện Biên đã triển khai một số giải pháp để bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Quy hoạch để bảo vệ nguồn nước

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Ngô Xuân Bình, Phó Trưởng phòng khoáng sản tài nguyên nước, Sở TN&MT Điện Biên, nhận định: Chúng ta không thể phủ nhận ý nghĩa, vai trò của tài nguyên nước trong đời sống. Tuy nhiên, về ý thức người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc miền núi còn rất thiếu ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Có thể họ đã nghĩ nước là nguồn tài nguyên vô tận. Chỉ khi họ phải sống ở những vùng khan hiếm nguồn nước thì họ mới hiểu hết ý nghĩa của việc sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả đáng quý như thế nào. Kể cả đối với những khu dân cư tập trung tại những vùng có điều kiện kinh tế phát triển. Thì ý thức đó cũng chưa thực sự dấy lên thành một phong trào, biến phong trào đó thành những hành vi cụ thể.

Lẽ đó, nhiều năm trở lại đây, ngành tài nguyên và môi trường Điện Biên đã tăng cường các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước. Đồng thời xem việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thiếu hụt nguồn nước là một trong yếu tố kéo lùi, kìm hãm sự phát triển của người dân, nếu không có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hợp lí. Đặc biệt, phải có những giải pháp bền vững lâu dài để tạo ra những vùng sinh thủy tốt bằng giải pháp tăng độ che phủ từ rừng.

a1(1).jpg

Đập đầu mối công trình Đại thủy nông Nậm Rốm

Năm qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên quy hoạch mạng lưới tài nguyên nước tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng bền vững. Bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng của nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tại một số huyện như Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ…có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trong nông nghiệp. Nguyên nhân có yếu tổ chủ quan do tại các huyện này tỷ lệ che phủ rừng rất thấp, các công trình về nước sạch, thủy lợi người dân không có ý thức bảo vệ, để trâu bò thả rông phá hỏng, hư hại dần qua từng năm. Mặt khác có việc tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thời tiết trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những biến đổi bất thường. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước gây ra những khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống và sinh hoạt của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các ban ngành liên quan tiến hành củng cố và tăng cường xây dựng đập, hồ chứa nước dự trữ cho mùa khô; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước đúng mục đích sử dụng. Nhằm kịp thời ứng phó và giải quyết nhu cầu về nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, tỉnh Điện Biên yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp.

a2.jpg

Tỉnh Điện Biên chú trọng quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phục vụ giảm nghèo

Trong đó, xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ cho phù hợp với khả năng nguồn nước; tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước; tăng cường nạo vét các hệ thống kênh, mương nhằm giảm thất thoát và lãng phí nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước phục vụ giảm nghèo bền vững, tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước trên địa bàn.

Hồ chứa, yếu tố đảm bảo an ninh nguồn nước

Tỉnh Điện Biên nằm ở thượng nguồn của 3 hệ thống lưu vực sông, gồm: sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Nguồn nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nước sông, suối, ao, hồ, trong khi đó lượng mưa trung bình mỗi năm khoảng 1.500 – 2.000mm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng gần 1.000 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, trong đó có: 13 hồ chứa với tổng dung tích là 67,188 triệu m3, 02 trạm bơm điện, 02 trạm bơm thủy luân, 886 công trình lấy nước bằng đập dâng và 1,487km kênh mương. Tổng năng lực tưới theo thiết kế của các công trình khoảng gần 40.000ha.

Toàn tỉnh hiện có 15 thủy điện đang vận hành khai thác có tổng công suất lắp máy gần 210 MW. Ngoài ra, còn có 06 dự án thủy điện đang thi công xây dựng, tổng công suất lắp máy hơn 104MW. Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong quá trình vận hành đều có sự phối hợp chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng nước.

a4.jpg

Nông dân huyện Điện Biên chuyển đổi cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện tại.

Điện Biên luôn xác định, bảo vệ tài nguyên nước chính là một trong những yếu tố giúp người dân thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, các sở, ban ngành và chính quyền địa phương cần nâng cao hiệu quả các giải pháp tuyên truyền nhận thức người dân về vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nguồn tài nguyên nước, đồng thời vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo.

Theo kết quả Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến 2025, toàn tỉnh có 2.067 công trình khai thác, sử dụng nước mặt, tập trung chủ yếu vào các mục đích nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp.

Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã cấp 42 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước ngầm cho 33 tổ chức, cá nhân. Trong đó, UBND tỉnh cấp 30 giấy phép hoạt động tài nguyên nước (09 Giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm, 21 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước); Bộ TN&MT cấp 12 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt. Tổng lưu lượng nước khai thác sử dụng nước mặt, nước dưới đất của các công trình được cấp là 10.973.800 m3 /năm

Trần Hương