Tìm chữ trong Hội báo

Xã hội - Ngày đăng : 20:20, 21/03/2023

(TN&MT) - Trong không khí tưng bừng của những ngày Hội báo Toàn quốc 2023, chúng tôi đã gặp những nẻo đường chữ nghĩa, những dòng chảy lặng lẽ góp phần làm giàu có bản sắc văn hóa Việt.

Tại Khu tái hiện văn hóa truyền thống dân tộc với hoạt động cho chữ theo phong cách thư pháp, trong giây phút thư nhàn, người phụ nữ trong trang phục áo dài cần mẫn đan len. Gian ngoài, chồng bà - nhà thư pháp Nguyễn Tiến Đạt miệt mài viết chữ. Họ đã đồng hành với công việc này 11, 12 năm vào dịp Tết tại Văn miếu Quốc Tử Giám và khoảng 3 mùa Hội báo. Ông là người cho bà cảm hứng. Ông đi đâu thì bà đi đấy, đi chỉ để phụ giúp. Những lúc bận, bà chuẩn bị giấy, đóng dấu, luồn suốt và đóng túi trao cho khách.

z4194198470572_568f151ad30846df1b80a0fea5340750.jpg
Nhà Thư pháp Nguyễn Tiến Đạt

Hoạt động cho chữ thư pháp mới xuất hiện trong Hội báo vài năm nay. Âu cũng là lẽ đương nhiên bởi nghề làm báo là nghề chữ nghĩa, người làm báo - người ta gọi là phu chữ. Còn trên khía cạnh văn bản pháp luật thì khoản 1, Điều 3, Luật Báo chí đã giải thích: Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh… và mục đ, khoản 2, Điều 4 của Luật cũng quy định báo chí có chức năng, nhiệm vụ “Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Xuất hiện tại Hội Báo, thư pháp giống như người khơi lại những dòng văn hóa cũ xưa, những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa của dân tộc thông qua hoạt động cho chữ và nhận chữ.

Trong một không gian tưng bừng sôi nổi như vậy nhưng ở góc mà chữ được viết nên lại thực sự tĩnh sâu, kể cả lời nói cũng chỉ vừa đủ để cho nhau nghe ở một khoảng cách rất gần. Trong ánh mắt của họ ánh lên niềm tự hào vì đã góp một phần rất nhỏ giữ cho chữ viết có một vị trí đứng và sức bền trong dòng chảy thời gian.

z4194198451660_4d638c6125a0560b0d554eecfedd40b5.jpg
Nhà Thư pháp Nguyễn Tiến Đạt trò chuyện với nhóm phóng viên Báo TN&MT sáng 19/3. Ảnh: Quốc Khánh

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Đạt trưởng thành từ Nhân mỹ Học đường và gắn bó với thư pháp khoảng 15 năm nay. Ông cho rằng, quan trọng nhất với nghề là phải có vốn chữ và phải hiểu về chữ đó. Không những hiểu nghĩa của chữ, mà chữ được cho còn phải gần với văn hóa Việt Nam. Theo ông, điều kỳ diệu trong thư pháp là dù viết bằng ngôn ngữ gì thì CHỮ đều đã được Việt hóa, mang nét đặc trưng rất Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó, nó gợi cho người ta liên tưởng đến dòng chảy văn hóa Việt nói chung và tiếng Việt nói riêng trước hàng nghìn năm đô hộ nhưng không hề bị đồng hóa, ngược lại, còn thuần hóa có chọn lọc những giá trị văn hóa khác du nhập vào Việt Nam.

Thư pháp đã làm cho con chữ lung linh hơn, những khoảnh khắc thăng hoa tỏa sáng cũng đến rất tự nhiên. Trong rất nhiều con chữ, mỗi khi cầm bút viết chữ “Tổ quốc”, trong lòng ông, cảm xúc dâng lên thiêng liêng, trái tim xao xuyến khiến từng nét chữ trang trọng hơn. Hay khi viết chữ “Tâm”, ông cho rằng đó là con chữ ông tâm đắc nhưng cũng là một con chữ khó. Ông bảo: “Nhiều người tóc đã bạc nhưng chưa hẳn đã viết tròn vẹn chữ “Tâm”. Chữ “Tâm” - cái Tâm, muốn đẹp phải được viết bằng trái tim, bằng tấm lòng nhân văn trắc ẩn, bằng tâm hồn đồng điệu đồng cảm, chứ không phải sự múa bút, phượng múa rồng bay”.

Họ chưa lần nào từ chối khách bởi người xin chữ bao giờ cũng xin những điều tử tế, tốt đẹp và hướng đến giá trị chân thiện mỹ, hạnh phúc, chính vì thế, người cho chữ không có lý do từ chối. Nhưng dùng dằng chưa viết vội thì có, bởi theo bà Bình “mình muốn chữ viết của mình phải thực sự là chữ, CHỮ - mang đầy đủ ý nghĩa giá trị đẹp đẽ sâu sắc, chứ không đơn thuần 3 ký tự ghép lại với nhau, giống như mình không thể lý giải được tại sao tiếng “Mẹ” lại yêu thương đến thế, khi cất lên lại da diết thế, mềm lòng thế, chứ không chỉ là sự gán ghép phụ âm M với nguyên âm E và dấu nặng một cách cơ học đơn thuần.

Cổ nhân từng đã thốt lên rằng “Cơm áo không đùa với khách thơ”, giữa vòng xoay cơm áo gạo tiền mà vẫn giữ được sự nghiêm cẩn trân trọng với CHỮ, quả không dễ trong thời kinh tế thị trường.

Tiếp kiến vợ chồng nghệ nhân khi ấy, bên cạnh chúng tôi, sinh viên trẻ Lại Việt Hà, học năm thứ nhất Viện Đào tạo quốc tế Fennica. Hà là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh ra tại thị trấn Si Ma Cai (Lào Cai). Em trình bày với tôi ước mơ sau này sẽ làm nhà báo. Và nếu mơ ước thành hiện thực, qua các bài báo, em sẽ cố gắng truyền đi thông điệp rằng, văn hóa không chỉ đơn thuần là hát hò thuần túy, nhảy nhót nhạc tây nhạc ta pha tạp. Em nghĩ rằng, em sẽ cố gắng tích lũy CHỮ, để sử dụng chữ đó chuyển tải giá trị tốt đẹp của văn hóa đến mọi người.

Cô gái ấy giống như làn điệu Kháo của núi rừng Si Ma Cai, nhẹ nhàng len lỏi vào không gian văn hóa chung, nhưng vẫn giữ cho mình nét riêng không phải vùng đất nào cũng có được. Thiết nghĩ, một sinh viên trẻ đã có những băn khoăn trước tuổi về văn hóa như thế cũng là một tài nguyên quý, là thành tố góp phần lưu giữ, bảo tồn, lan tỏa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Rất tình cờ, trong buổi sáng thứ Bảy, không gian Hội báo chợt đầy ắp tiếng trẻ. Đó là đoàn tham quan của Trường Tiểu học Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương. Mục tham quan Hội báo không có trong lịch trình của chuyến đi, thế nhưng, trên đường đi, biết có Hội báo, đoàn đã xin ý kiến Ban Giám hiệu thay đổi lịch trình. Các con rất thích thú khi được tham quan Hội báo. Khi được hỏi, nhiều cánh tay giơ lên bày tỏ ước mơ “sau này con sẽ làm nhà báo”, nhất là Phạm Bắc Dương, cô bé cứ bám lấy chúng tôi hỏi xem làm nhà báo có khó không, phải làm sao để trở thành nhà báo.

z4197038110779_b41cc8661764c09b94787890e733313a.jpg
Đoàn tham quan của Trường Tiểu học Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương

Còn với các cô giáo, các cô đều chia sẻ suy nghĩ rằng, trong chuyến tham quan này, các cô mong muốn gieo niềm đam mê, yêu thích nghề báo cho các con, nhất là với những bạn học tốt môn tiếng Việt, viết văn hay và có kỹ năng nói trước đám đông.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giáo viên Chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Nam Trung tâm sự: “Quá trình dạy học, chúng tôi đều quan tâm phát hiện năng khiếu, sở trường riêng của mỗi em. Với những bạn có thiên hướng học tốt môn tiếng Việt, viết văn tốt, giáo viên đều có cách khơi gợi để khuyến khích các em. Chứng kiến các em hào hứng tham quan Hội báo và bày tỏ mơ ước sau này thích làm nhà báo, tôi tự nhủ, mình sẽ đồng hành, nuôi mơ ước đó lớn dần lên trong các em, bản thân tôi sẽ chú trọng hơn trong việc dạy các em những cái đẹp cái hay của tiếng Việt để tạo điều kiện cho các em có vốn kiến thức gần với chuyên ngành báo chí từ sớm. Nhìn vào các em, tôi thật sự rất vui vì nghề gieo chữ dẫu vất vả nhưng là nghề rất đáng trân trọng. Tôi sẽ không ngừng học, đọc sách, tích lũy kiến thức để truyền giảng lại cho các em học sinh, giúp các em biến ước mơ thành hiện thực”.

Cũng ngay trong buổi sáng hôm ấy, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”. Câu chuyện về mối quan hệ giữa nội dung và công nghệ đã làm “nóng” tọa đàm. Nhà báo kỳ cựu Hồ Quang Lợi dí dỏm ví von rằng, nếu một bài báo có nội dung hay nhưng công chúng không biết đến thì sẽ không có sức lan tỏa. Vì thế, nếu câu chữ, vấn đề, nội dung, tranh ảnh là vua thì bên cạnh đó, công nghệ là nữ hoàng. Báo chí hiện đại không thể tách rời nội dung và công nghệ.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, trong kỷ nguyên số, phóng viên có những phương tiện siêu việt để làm báo nhưng cũng đối mặt với rất nhiều thách thức. Điều nguy hiểm là phóng viên rất dễ đánh mất mình trong thời đại kỹ thuật số, không còn là nhà báo nữa mà chỉ theo đuổi mạng xã hội. Ngoài nguy cơ đánh mất mình, một thách thức đáng sợ nữa của phóng viên trong kỷ nguyên số là đánh mất lương tâm người làm nghề, đạo đức người làm nghề. Nhà báo không còn phục vụ xã hội nữa, mà phục vụ lợi ích của bản thân. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi: “Vụ lợi là điều nguy hiểm nhất của người làm báo”, vì thế, phải giữ lấy cái CHỮ. Giữ cái CHỮ ở đây không chỉ là giữ tinh hoa tiếng Việt, mà còn giữ chữ ĐỨC trong Đạo đức Người làm báo. Đó là một trong những mục tiêu cốt lõi quan trọng nhất mà các nhà quản lý báo chí hay Hội báo nào cũng đặt ra để khơi gợi và lan tỏa.

Việt Hùng - Việt Hải