Trồng sa nhân tím: Bảo vệ rừng và phát triển kinh tế

Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 17/04/2015

(TN&MT) - Vài năm trở lại đây, việc nhân rộng mô hình trồng cây sa nhân tím trên đại bàn xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng cũng như nâng cao đời sống cho người dân. Sa nhân tím đã và đang phát huy rất nhiều lợi thế và hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng tiềm năng trong tương lai.

Cây xóa nghèo cho đng bào dân tộc thiu s

Sa nhân tím là loại thuốc quý có giá trị kinh tế cao. Năm 2008, giống cây này được cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đưa lên vùng đất Sơn Lang để trồng thử nghiệm. Tại đây, sa nhân tím đã tỏ ra là loại cây vô cùng thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số.

snt.gif

Vườn sa nhân tím của gia đình anh Đinh Văn Xoay giúp anh xóa nghèo, vươn lên làm giàu

Đây là cây không tốn nhiều vốn đầu tư ban đầu về cây giống, phân bón, thuốc men..., cây vẫn sinh trưởng tốt mà không cần phải tốn nhiều thời gian chăm sóc. Mỗi năm cây cho thu hoạch 2 lần (khoảng tháng 4-5 và tháng 9-10) và với giá cả ổn định, dao động từ 28 - 30 ngàn đồng/kg tuơi hay 120 - 160 ngàn đồng/kg khô. Có thể nói sa nhân tím là cây dễ trồng mà vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Sa nhân tím không tranh chấp đất với cây trồng khác nên phát huy tốt hiệu quả sử dụng đất. Trên một mảnh đất, có thể thu lợi từ nhiều loại cây trồng. “Mình trồng xen sa nhân tím trong vườn bời lời đỏ, mỗi năm chỉ tính riêng tiền thu từ sa nhân tím cũng không dưới 100 triệu đồng. Trong khi vài năm nữa, bời lời đỏ cũng tới kỳ cho thu hoạch, mình có thêm một khoản kha khá nữa. Cùng một diện tích canh tác nhưng mình có thể thu được lợi nhuận kinh tế từ hai loại cây trồng”, anh Đinh Văn Xoay, ở thôn Hà Nừng, xã Sơn Lang, phấn khởi cho biết.

Tương tự hộ anh Xoay, gia đình anh Đinh Văn Hdăn, cùng trú tại thôn Hà Nừng, xã Sơn Lang cũng trồng 1 ha sa nhân tím duới tán cây bời lời từ năm 2008, mỗi năm đem về nguồn thu khoảng 70 triệu đồng. “Tính ra, ở đất Sơn Lang, cây sa nhân tím còn đem lại hiệu quả cao hơn cả cà phê”, anh Hdăn, vui vẻ cho biết.

Cây giữ đất, bảo vệ rng

Sa nhân tím là loại cây ưa sinh sống trong bóng cây râm mát. Vì vậy, người ta thường tận dụng tán lá của các loại cây trồng như: Bời lời đỏ, xoan, bạch đàn... hay bóng râm từ những tán rừng tự nhiên để phát triển loại cây này. Ở khu vực có diện tích rừng lớn như Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì sa nhân là cây trồng có nhiều lợi thế để nhân rộng.

duoc-lieu-sa-nhan-tim.jpg

Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc trồng sa nhân tím xen giữa các cây trồng khác hay dưới tán rừng còn có tác dụng hiệu quả trong việc tránh tình trạng rửa trôi, xói mòn đất do rễ cây đan xen chằng chịt trong đất. Một cây sa nhân trồng ban đầu thì sau 2-3 năm sẽ phát triển thành 20-30 cây, phủ kín bề mặt đất tạo nên lớp thảm thực vật đa dạng góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Dưới những tán rừng có trồng sa nhân tím, đất luôn tươi tốt và có độ ẩm lớn, vì vậy cũng giảm được tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng vào mùa khô

Nói về triển vọng mô hình trồng sa nhân tím trên địa bàn, ông Dương Quốc Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang (huyện Kbang) cho biết: “Từ 3 ha sa nhân trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay cả xã đã có khoảng 25 hộ trồng với diện tích gần 20 ha. Sa nhân tím đã và đang đem lại nhiều khởi sắc cho bà con người Bahnar ở Sơn Lang. Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, giúp nhiều bà con xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Cây trồng này còn đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ tài nguyên rừng đang ngày một thu hẹp vì tập quán phá rừng làm nương rẫy của đồng bào thiểu số”.

Bài và ảnh: Quế Mai