Lào Cai giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi
Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 24/05/2015
Con đường vào xã Nậm Chảy chỉ cách huyện Mường Khương khoảng 10 km, nhưng 2 năm trước, muốn ra vào xã chỉ có thể đi bộ. Chính vì lẽ đó mà nông sản của bà con làm ra bị tư thương ép giá đến gần một nửa. “Ở đây bà con sản xuất được nhiều ngô, chuối, cho đến cây ăn quả... nhưng do không có đường giao thông nên đành chịu. Ngô trồng ra không bán được có lúc để thối, mọt ở nhà. Mà có bán được thì cũng bị ép giá. Nếu ở thị trấn bán được 5.000 đồng/1kg ngô, thì ở trong này chỉ bán được 3.000 đồng. Thế mà cũng chẳng ai vào mà mua cho”, ông Ma Chiến Phúc, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy ngậm ngùi.
Từ giữa năm 2013, con đường tỉnh lộ đi vào trung tâm xã Nậm Chảy được mở rộng, nâng cấp, từ đó hàng hóa cũng được khơi thông. Đời sống của bà con bắt đầu khá lên. Chính quyền xã cũng không ngồi yên chịu đói nghèo. Các kế hoạch phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đưa ra. Đó là tập trung phát triển cây trồng hàng hóa và dược liệu như: Chuối, ngô lai, cây thảo quả. Đó đều là những cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao.
Giao thông thuận lợi, không chỉ nông sản mà các loại dịch vụ khác như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng cũng hết cảnh bị đẩy giá lên gấp 2,3 lần. Chính những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải Lào Cai, sau hơn 3 năm thực hiện Dự án Phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới với mục tiêu 100% trục đường giao thông đến các xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98% thôn, bản có đường ô tô, xe máy tới trung tâm và 50% trục đường thôn, xóm được cứng hóa...
Không chỉ coi giao thông là cây cầu nối nhịp phát triển kinh tế, xã hội ở các xã nghèo, tháng 11/2014, Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai còn ban hành Nghị quyết 22 - NQ/TU về giảm nghèo bền vững huyện nghèo Si Ma Cai đến năm 2020, mở ra cơ hội lớn để huyện vùng cao, biên giới này “tấn công” mạnh vào đói nghèo.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai khẳng định: Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2015, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở sẽ bắt tay vào thực hiện Nghị quyết với quyết tâm cao nhất.
Riêng Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc đã xây dựng xong và trình UBND tỉnh phê duyệt, với quy mô gần 3.000 hộ tham gia, tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Với đề án này, huyện hy vọng tạo thêm việc làm cho người dân, bởi trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp rất ít, trồng trọt không có đột biến về giá trị gia tăng, nên chỉ có chăn nuôi mới nâng cao được thu nhập. Biện pháp thực hiện là các hộ đăng ký thành lập các nhóm cùng sở thích và phải chứng minh được điều kiện, năng lực của gia đình, khi có nguồn giải ngân sẽ triển khai từng giai đoạn”, ông Phúc chia sẻ.