Triển vọng đưa rau rừng thành rau thương phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 08/05/2015
Thạc sĩ Tôn Thất Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng nhiệt đới cho biết: “Rau rừng là loại rau có giá trị dinh dưỡng. Mặt khác, các phương pháp nhân giống, chăm sóc loại rau này cũng rất đơn giản nên sản xuất theo hướng rau sạch đưa vào thị trường sẽ rất tiềm năng”.
Hiện Trung tâm nghiên cứu quốc tế Rừng nhiệt đới đã đi vào sản xuất 3 loài rau rừng triển vọng nhất (theo kết quả nghiên cứu) gồm: Bầu đất, lỗ bình và cần dại. Mục tiêu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rau rừng theo hướng hàng hóa.
Anh Đinh Hữu Mạnh, công nhân chăm sóc vườn ươm cho biết: “Các loại rau rừng được Trung tâm đưa vào thử nghiệm canh tác cùng lúc trong hai môi trường nhà kính có trang bị hệ thống tưới tự động và tự nhiên đều sớm thích nghi và sinh trưởng rất tốt. Sau gần một tháng xuống giống, các loại rau rừng này đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Giống rau rừng có thể được sản xuất theo dạng nuôi cấy mô, hoặc giâm hom trong môi trường đầy đủ độ ẩm. Sau khi trồng, cứ 15 ngày thu hoạch một đợt. Riêng rau rừng trồng trong môi trường tự nhiên, sẽ cho thu hoạch mỗi đợt muộn khoảng 3 ngày và năng suất bằng 80% so với trồng trong nhà kính. Diện tích 100m2 trồng thử nghiệm 3 loại rau rừng trên, mỗi tháng anh Mạnh thu hoạch được khoảng 200kg rau. Sau một thời gian đưa cây rau rừng tiếp cận với thị trường, trung tâm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Tp Hồ Chí Minh với giá 30.000 đồng/kg”.
Theo ông Tôn Thất Minh, việc trồng và chăm sóc các loại rau rừng này rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc như các loại cây rau màu khác, nhưng tiềm năng hiệu quả kinh tế thì vô cùng lớn. Nếu trồng ngoài trời chi phí đầu tư rất thấp, chỉ khoảng 5 triệu đồng/100m2, bao gồm chi phí giống và phân vi sinh.
"Còn trồng trong nhà kính có trang bị hệ thống phun nước tưới tự động, giá chi phí đầu tư gần 20 triệu đồng/100m2. Với 100m2 đầu tư trồng rau rừng, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm người nông dân có thể thu lãi hơn 40 triệu đồng. Loại rau này vốn sống trong tự nhiên, nên khả năng, kháng bệnh cao hơn những loại rau bình thường khác. Việc đưa rau rừng vào sản xuất sẽ góp phần tận dụng nguồn đất, tận dụng sức lao động trong thời gian nhàn rỗi giữa hai mùa cà phê, đồng thời cũng phá thế độc canh của loại cây này, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" - ông Minh khẳng định.
Việc đưa rau rừng thành rau thương phẩm hiện đã không chỉ là “dự án khả thi” như kết quả các công trình nghiên cứu mà điều này đã được Trung tâm nghiên cứu quốc tế Rừng nhiệt đới - Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà hiện thực hóa, góp phần mở ra hướng đi mới cho người nông dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số quanh Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.