Những người “say” nghề rừng

Xã hội - Ngày đăng : 14:43, 20/03/2023

(TN&MT) - “Tôi say với nghề rừng lắm”, đó là câu nói được lặp lại nhiều lần trong câu chuyện với chúng tôi của một người dân xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Với người nông dân này và cũng như với tất cả người dân ở xã, rừng là nguồn sinh kế quan trọng nhất, giúp họ cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Như lời tâm sự mộc mạc mà thấu trải nghiệm của một người đã sống gần trọn cuộc đời nơi đây: “Ở đất này, nếu không trồng keo thì còn nghèo mãi..."

Sống nhờ rừng, thoát nghèo từ rừng

Một ngày giữa tháng 3/2023, từ thị trấn Đồng Lê, theo chỉ dẫn của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Hoá Đinh Xuân Thương, chúng tôi tiếp tục vượt đèo để lên xã Lâm Hoá. Bởi theo anh Thương, nhà báo muốn viết về rừng thì Lâm Hoá là điển hình! Quãng đường hơn 40km uốn lượn theo quốc lộ 12A, quốc lộ 12C, rồi nhập vào đường Vũng Áng-Cha Lo, cuối cùng theo đường Hồ Chí Minh khá “mượt”. Có điều nhiều đoạn cua tay áo, dù không thể so sánh với các cung đường đèo nổi tiếng phía Bắc, nhưng cũng khiến quá trình di chuyển chậm lại đáng kể. Ấn tượng nhất trên chuyến hành trình này là xe thường xuyên chạy qua những đoạn đường rừng với một màu xanh mướt hút tầm mắt, đẹp đến nao lòng người.

anh-1.jpg
Ông Cao Xuân Báu (bên phải) và Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hoá Trương Quang Tuấn trong vườn keo gia đình ông Báu. Ảnh: Thanh Tùng

Người nông dân có cái suy nghĩ khá triết lý mà tôi có kể ở trên là ông Cao Xuân Báu, một người dân trồng rừng “chuyên nghiệp” ở thôn Tiền Phong, xã Lâm Hoá. Gia đình ông Báu đã lập nghiệp ở mảnh đất này từ đời cha ông. Hai vợ chồng có 3 người con, người sống và làm việc tại một tỉnh phía Nam, người đã lập gia đình và ra ở riêng, 1 người đang sống cùng vợ chồng ông. Ông Báu có khoảng 20ha đất trồng rừng và hơn 6ha đất vườn. Trong diện tích rừng thuộc hạng lớn nhất ở Lâm Hoá này, ông dành 2ha để trồng loại bưởi đặc sản Phúc Trạch, được UBND xã công nhận là vườn mẫu và được hỗ trợ 50 triệu đồng. Ông chia cho người con út đã lập gia đình 1ha để cùng chăm sóc. Ngoài trồng bưởi, phần lớn diện tích còn lại, ông trồng keo - loại cây trồng chính của người dân nơi đây.

Trong câu chuyện về cuộc đời làm ăn của mình, người nông dân 66 tuổi này liên tục thể hiện niềm tin với Đảng và tình yêu với nghề rừng. Ông tâm sự, Lâm Hoá là vùng sâu, xa chợ, xa huyện, xa mọi thứ nên kinh tế của bà con rất khó khăn. Trước đây, người dân thường trồng ngô, sắn nhưng khó bán vì cách trở, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Nhờ nghề trồng rừng, kết hợp nuôi ong, nuôi gà mà giờ đã khá hơn rất nhiều. Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi Phúc Trạch đang độ ra hoa, bói quả vụ đầu tiên, ông chỉ tay nói: Vườn được trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, có hệ thống tưới nước hiện đại đến từng gốc cây. “Tôi say với nghề rừng lắm”, ông tâm sự và luôn miệng cảm ơn Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ giống cây trồng và phân bón cho bà con trồng rừng.

Nhưng con đường làm nghề rừng của ông Báu cũng như nhiều người dân ở Lâm Hoá không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Trận bão to năm 2017 đã quật ngã 3ha rừng keo 3 năm tuổi của ông Báu. Có người ở Lâm Hoá ngày đó còn mất rừng trị giá đến 200 triệu đồng. Với ông Báu, 3ha mất vì trận bão này là lứa trồng đầu tiên của gia đình nên khiến ông nhớ mãi, đau mãi. Sau nhờ hỗ trợ của Nhà nước và quyết tâm của gia đình, ông từng bước vực dậy. Ông nói, trong cái khó mới thấy hết quyết tâm bám nghề rừng của người dân Lâm Hoá. Còn hiện giờ, mong muốn nhất của bà con ở đây là có cơ sở thu mua, chế biến gỗ tại chỗ để đỡ công vận chuyển, tăng giá trị lâm sản. Đồng thời, có nhiều hơn các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và kỹ năng chăn nuôi để giúp nâng cao năng suất lao động.

Cùng ở thôn Tiền Phong, gia đình anh Cao Xuân Hiệu có khoảng 10ha đất trồng keo ngay sau nhà. Anh Hiệu là nhân viên y tế của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hoá, vợ buôn bán tự do. Điều đáng nói là gia đình anh đang trồng keo theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Anh Hiệu nói, FSC yêu cầu người dân đảm bảo nghiêm ngặt kỹ thuật trồng như hố trồng phải đào vuông 30cm, khoảng cách giữa các cây từ 2,5-3m, cây được 8 năm trở lên mới được bán, được hỗ trợ tiền giống và phân bón. “Nhờ trồng theo FSC mà cây lớn nhanh hơn, giá bán cao hơn. Gia đình đã thu hoạch được 2 vụ, trung bình 1 vụ bán được trên 100 triệu đồng”, anh Hiệu phấn khởi cho biết.

Sinh kế quan trọng nhất

Sau khi dắt chúng tôi đi một vòng và giới thiệu những gia đình tiêu biểu về nghề rừng, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hoá Trương Quang Tuấn đưa chúng tôi về trụ sở uỷ ban. Anh Tuấn còn khá trẻ, nước da rám nắng, khuôn mặt sáng, tính cách cởi mở, đặc biệt tác phong làm việc rất nhanh nhẹn. Nhấp chén nước chè, anh hồ hởi cho biết, Lâm Hoá có diện tích tự nhiên trên 10.000ha, trong đó riêng đất nông nghiệp đã chiếm 9.500ha, đất phi nông nghiệp chỉ chiếm trên 100ha, còn lại là đất chưa sử dụng. Độ che phủ rừng của Lâm Hoá năm 2022 đạt 93%, gần như 100% người dân trong xã đều có rừng, trồng rừng và rừng là sinh kế quan trọng nhất.

anh-2.jpg
Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hoá Trương Quang Tuấn. Ảnh: Thanh Tùng

Nhờ sự tích cực, chủ động của người dân cộng với các hỗ trợ của Nhà nước, tính đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Lâm Hoá đạt 21 triệu đồng. Xã cũng hoàn thành thêm 2 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và tiếp cận pháp luật. Trong năm, xã đã trồng lại 47ha rừng, trong đó có 23,8ha là cây trồng bản địa; diện tích khai thác gỗ đạt 68ha, sản lượng 8.160m3, giá trị ước đạt hơn 6,5 tỷ đồng. Năm 2022, thu ngân sách của xã đạt hơn 6,1 tỷ đồng, đạt 139% so với dự toán huyện giao; 95,7% số hộ dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5% so với năm 2021.

Theo anh Trương Quang Tuấn, Lâm Hoá nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên hàng năm đều có nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8. Vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. UBND xã đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với Ban chỉ huy quân sự, Công an xã kiện toàn các tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Lực lượng tham gia tổ, đội là nòng cốt xung kích trong cộng đồng dân cư thôn, bản, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống cháy xảy ra. Nhờ đó, nhiều năm liền Lâm Hoá luôn nhận được UBND huyện khen thưởng trong công tác bảo vệ rừng.

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng anh Trương Quang Tuấn cũng thừa nhận, công tác bảo vệ rừng cũng còn những hạn chế nhất định. Điển hình là một số thôn, bản chưa thực sự có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác, vận chuyển lén lút lâm sản ở vùng giáp ranh và tranh chấp, lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn xảy ra. Riêng năm 2022, UBND xã đã phát hiện, xử phạt hành chính 3 đối tượng có hành vi khai thác rừng trái phép, thu nộp ngân sách 9 triệu đồng, thu giữ tang vật vi phạm là 0,47m3 gỗ các loại và 3 máy cưa xăng.

Nâng cao giá trị rừng

Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên hơn 112.000 ha. Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng những năm qua, các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi luôn được các cấp chính quyền Tuyên Hoá triển khai tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,77% vào đầu năm 2016 xuống còn 6,72% vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và còn 6,87% năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,78 triệu đồng/người năm 2015 lên 38 triệu đồng/người năm 2020.

anh-3.jpg
Ngoài trồng keo, bưởi Phúc Trạch là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được người dân Tuyên Hoá chú trọng. Ảnh: Thanh Tùng

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hoá Đinh Xuân Thương cho biết, trong cơ cấu kinh tế của huyện, lâm nghiệp luôn được xác định là một thế mạnh. Năm 2020, UBND huyện đã ban hành Đề án “nâng cao giá trị rừng trồng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó, tỷ lệ độ che phủ rừng trong năm 2021 và 2022 ước đạt 77,4%, tăng 2,4% so với năm 2020. Các biện pháp lâm sinh được áp dụng trong trồng rừng cũng như khai thác gỗ rừng trồng, bình quân hằng năm khai thác gỗ rừng trồng và trồng lại rừng đạt trên 1.200 ha/năm, sản lượng bình quân 96.000 tấn/ha/năm, giá trị thu được trên 100 tỷ đồng.

Để nâng cao hơn nữa giá trị của rừng, ông Đinh Xuân Thương cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn công tác vệ sinh xử lý thực bì trước mùa khô cho các chủ rừng; bổ sung vào hương ước công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của các thôn, bản; tuyên truyền, vận động người dân tham đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Giữa tháng 3, nắng đã bắt đầu chan hoà, dấu hiệu khởi đầu cho một mùa hè nắng cháy trên mảnh đất “gió Lào cát trắng” Quảng Bình. Nhưng ở Tuyên Hoá, nơi có gần 80% diện tích được che phủ bởi rừng, không khí vẫn thực sự mát mẻ. Phóng tầm mắt ra xa, ẩn hiện trong màu xanh mướt của rừng, những ngôi nhà khang trang mọc lên khắp nơi, báo hiệu một cuộc sống mới đang hiển hiện nơi huyện miền núi nhiều nắng gió này.

Tuyên Hoá có 18 xã, 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn và 3 xã, thị trấn có thôn đặc biệt khó khăn. Huyện có tổng số 24.525 hộ, dân số trên 91.353 người; dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với gần 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Thanh Tùng