Nhiều chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai góp phần xóa đói giảm nghèo

Đất đai - Ngày đăng : 14:42, 20/03/2023

(TN&MT) - Trên cơ sở định hướng tại các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều quy định quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói chung, trong đó có thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Về quyền của người sử dụng đất nông nghiệp: Luật đất đai năm 2013 đã quy định tùy theo hình thức sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất mà người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn và thế chấp quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn. Pháp luật đất đai cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp một cách linh hoạt nhằm phù hợp hơn với cơ chế thị trường; điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo mô hình kinh tế trang trại. Đồng thời, Luật Đất đai 2013 cũng đã quy định về chế độ sử dụng đối với đất sử dụng cho kinh tế trang trại, trong đó Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp: Luật Đất đai năm 2013 quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, đất lâm nghiệp) để khuyến khích nông dân gắn bó và yên tâm đầu tư sản xuất.

day-manh-tich-tu-tap-trung-ruong-dat-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-hang-hoa-quy-mo-lon-anh-le-anh-.jpg
Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn (Ảnh Lê Anh)

Về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp: Quy định hạn mức giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, tùy theo loại đất và tùy từng vùng thì hạn mức giao đất nông nghiệp từ 02 - 30 ha (đất trồng cây hàng năm 02 - 03 ha; đất trồng cây lâu năm: 10 - 30 ha; đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ: không quá 30 ha).

Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất (đất trồng cây hàng năm 20 - 30 ha; đất trồng cây lâu năm 100 - 300 ha; đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ không quá 300 ha, tùy theo loại đất và khu vực).

Đối với doanh nghiệp, pháp luật về đất đai không quy định hạn mức sử dụng đất. Nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp được nhà nước xem xét giao đất, cho thuê đất trên cơ sở dự án đầu tư.

Ngoài các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai, các dự án sản xuất, kinh doanh khác nhà đầu tư được thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để có đất thực hiện dự án. Tại Khoản 3 Điều 73 của Luật Đất đai, Quốc hội giao Chính phủ quy định chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.

Nhìn chung, chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam như tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, An Giang…

tich-tu-ruong-dat-hinh-thanh-cac-mo-hinh-nong-nghiep-ung-dung-khkt-trong-san-xuat-tang-gia-tri-nong-san-anh-hoang-mai-.jpg
Tích tụ ruộng đất hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng KHKT trong sản xuất, tăng giá trị nông sản (Ảnh Hoàng Mai)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, một số chính sách, pháp luật đất đai chưa thúc đẩy tích tụ đất đai, cụ thể: Đối với hộ gia đình, cá nhân: Quy định hạn mức nhận chuyển quyền đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân tại Điều 130 Luật đất đai chưa khuyến khích tích tụ để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cá nhân nhận chuyển quyền vượt hạn mức là hành vi pháp luật nghiêm cấm và phần diện tích đất vượt hạn mức bị từ chối nhận thế chấp khi vay vốn ngân hàng;

Đối với doanh nghiệp, mặc dù không có quy định hạn mức giao và nhận chuyển nhượng nhưng quyền tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trừ trường hợp được chuyển mục đích theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt. Luật đất đai hạn chế các trường hợp Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong khi đó mặc dù có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng nhưng nhiều trường hợp do chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế về các hình thưc tiếp cận đất nông nghiệp so với doanh nghiệp trong nước.

Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển kém; còn tình trạng nông dân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất.

Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp nhưng chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế của nông hộ, các hợp tác xã, hệ thống doanh nghiệp với khoa học - công nghệ và thị trường nên chưa thực sự mang lại hiệu quả mong muốn.

Việc cải tạo, xây dựng đồng ruộng yêu cầu chi phí cao do ruộng đất không bằng phẳng, manh mún; bờ vùng, bờ thửa nhiều, kiên cố và hình thành từ lâu đời, trong khi nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục quy hoạch, cải tạo lại hệ thống đồng ruộng còn thiếu.

Việc đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho các đối tượng lao động rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp chưa tốt nên chưa thúc đẩy việc chuyển dịch đất đai từ người nông dân sang cho người khác.

Để tháo gỡ vấn đề này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung.

Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm. (Điều 185, Điều 186).

Thúy Nhi