Thúc đẩy thực thi tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì sản phẩm

Môi trường - Ngày đăng : 14:39, 10/03/2023

(TN&MT) - Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến tháng 1/2024, tức chỉ còn gần một năm nữa, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR). Và như vậy, ngay từ thời điểm này, việc chuyển hướng ưu tiên sản xuất với vật liệu thân thiện môi trường và thay đổi công nghệ, tăng cường tái chế rất cần phải khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia.

Siết chặt quản lý bao bì thải bỏ

Không còn là khuyến khích và tự nguyện, việc phải có trách nhiệm đối với những sản phẩm thải bỏ su khi tiêu dùng của các nhà sản xuất đã được luật hóa và quy định cụ thể tại Luật bảo vệ môi trường 2020. Điều này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nhà sản xuất và nhập khẩu bao bì, nhựa và các vật liệu khó phân hủy. Theo đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 xác định: Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất và đưa ra thị trường, khối lượng nhập khẩu sản phẩm, bao bì trong năm thực hiện trách nhiệm.

26082022_tai_cheok.png
Nhà sản xuất bắt buộc phải thực hiện việc thu gom, xử lý bao bì thải bỏ  ( ảnh minh họa)

Tỷ lệ tái chế bắt buộc trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và được điều chỉnh 3 năm một lần theo hướng tăng dần. Tỷ lệ tái chế bắt buộc cao nhất được áp dụng đối với bao bì nhôm, chai nhựa PET ở mức 22% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 0,5%. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 tỷ lệ tái chế của các quốc gia ở châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, đối với phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR.

Về quy cách tái chế, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, các nguyên, vật liệu phải thu hồi được tối thiểu là 40%, tỷ lệ này không phải là tỷ lệ tái chế bắt buộc như đã nêu ở trên. Ví dụ, khi tái chế một chiếc máy tính thì vật liệu nhựa, kim loại... trong máy tính đó phải được thu hồi để tái chế tối thiểu là 40% khối lượng vật liệu của máy tính đó, còn lại sẽ phải xử lý theo quy định. Tỷ lệ thu hồi này đã thấp hơn khoảng 15 - 30% so với châu Âu ở giai đoạn bắt đầu áp dụng EPR. Việc thu hồi tối thiểu này phải bảo đảm quy cách tái chế theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Ví dụ: bao bì nhựa phải được tái chế thành một trong ba cách thức: (1) Sản xuất hạt nhựa tái sinh sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; (2) Sản xuất sản phẩm khác (bao gồm cả xơ sợi PE); (3) Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).

Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường, quy định phương pháp thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, áp dụng triệt để các nguyên tắc thị trường. Theo đó, quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật BVMT năm 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn hình thức (tự) tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Nghị định quy định cụ thể hóa hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì thành bốn cách, bao gồm: (1) Tự thực hiện tái chế; (2) Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; (3) Ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; (4) Kết hợp cách thức nêu trên.

Hình thức (tự) tổ chức tái chế sản phẩm bao bì là hình thức áp dụng triệt để nguyên tắc thị trường trong thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, theo đó, nếu nhà sản xuất thấy việc tổ chức tái chế có lợi thì lựa chọn để thực hiện trách nhiệm của mình. Để thực hiện trách nhiệm, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế trước ngày 31/3 hàng năm với Bộ TN&MT.

Trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thấy việc tổ chức tái chế không có lợi hoặc chưa có điều kiện thực hiện thì có quyền lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Khi đóng góp vào Quỹ BVMT Việt Nam thì nhà sản xuất hoàn thành nghĩa vụ tái chế của mình. Quỹ BVMT Việt Nam sử dụng kinh phí này để hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Mức đóng góp tài chính phụ thuộc vào tỷ lệ tái chế bắt buộc, lượng sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường và định mức chi phí tái chế.

Cơ hội để tiên phong xây dựng ngành công nghiệp tái chế

Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng khẳng định: “EPR (trách nhiệm của nhà sản xuất) là một chính sách môi trường dựa trên nguyên tắc - Người gây ô nhiễm phải trả tiền. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khi có ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. EPR cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chú trọng sản xuất kinh doanh gắn với bảo về môi trường, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết, tái chế chất thải góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển”.

xu-ly-rac-thai-nhua-2.jpg
Máy xử lý nhựa ( ảnh minh họa)

Tuy nhiên, để công cụ thực sự tạo ra hiệu quả, có một số điều cần phải được lưu ý. Đầu tiên là vấn đề về danh mục sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh. Danh mục ban đầu nên có giới hạn nhất định, không được “tham” dẫn đến khó trong công tác thực hiện.

Vấn đề tiếp theo là tư duy về phương thức hỗ trợ. Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT Nguyễn Thế Chinh nhận xét, khi hỗ trợ ngành công nghiệp thu gom, tái chế và xử lý rác thải, phải đảm bảo tuân theo nguyên tắc thị trường.

Cụ thể, hỗ trợ nên đưa ra dưới dạng khuyến khích (incentive) thay vì trợ cấp (subsidy), tức là chỉ hỗ trợ thời gian đầu thông qua các hình thức như đầu tư, cho vay vốn lãi suất ưu đãi…, sau đó để doanh nghiệp, đơn vị thu gom, tái chế và xử lý rác thải tự phát triển, thay vì bao cấp từ đầu đến cuối.

“Nên xem xét xem những đơn vị thu gom, tái chế, xử lý rác thải được hỗ trợ những gì, nhận hỗ trợ xong, họ có lợi nhuận hay không. Cần tuyệt đối tránh tư tưởng bao cấp vì nếu “cho không” thì hiệu quả sẽ rất thấp”, ông Chinh nhấn mạnh.

Thực tế, khu vực tư nhân đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực tái chế, không phải vì tận dụng hỗ trợ từ EPR mà vì chính những tiềm năng của ngành này. Trong đó có thể kể đến Nhựa Duy Tân, một thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), đã rót 60 triệu USD xây dựng nhà máy tái chế với công nghệ tiên tiến bottles to bottles.

Đáng chú ý, Duy Tân sử dụng 100% đầu vào là nhựa phế liệu trong nước, bất chấp tính chất phức tạp của rác thải nhựa tại Việt Nam, cho thấy tư duy làm tái chế bài bản, nghiêm túc, hướng đến lợi ích lâu dài.

Một thành viên khác của PRO Việt Nam là Tetra Pak mới đây cũng đầu tư 3,5 triệu euro vào nhà máy tái chế giấy Đồng Tiến, với công nghệ tiên tiến, kỳ vọng tạo ra sản phẩm giấy có giá trị thương mại cao như giấy ăn, giấy viết.

Như vậy có thể thấy, để đẩy nhanh tiến trình thực thi EPR, đối với nhóm doanh nghiệp là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm với công cụ EPR, song song với việc thực thi, cơ quan quản lý cần giải thích cho doanh nghiệp hiểu những đóng góp của doanh nghiệp có hiệu quả đến đâu, đem lại lợi ích gì cho môi trường cũng như cho bản thân doanh nghiệp. Nếu cơ quan quản lý trả lời được cho doanh nghiệp những câu hỏi đó, giúp doanh nghiệp hiểu sâu sắc ý nghĩa của EPR, doanh nghiệp sẽ thực thi nghiêm túc bởi đây chính là cơ hội đón đầu ngành công nghiệp tái chế trong tương lai.

Minh Thư