Lan toả những giá trị văn hóa tốt đẹp 'chân - thiện - mỹ' của dân tộc
Văn hóa - Ngày đăng : 18:20, 19/03/2023
Tham dự lễ bế mạc còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các đài truyền hình, đơn vị sản xuất chương trình truyền hình, cùng đông đảo cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực truyền hình…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình các tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị sản xuất truyền hình và TP. Hải Phòng đã tổ chức rất thành công sự kiện quan trọng này sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Vun đắp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với lợi thế kết hợp cả hình ảnh và âm thanh, truyền hình tiếp tục là một trong các loại hình truyền thông có sức ảnh hưởng trực tiếp và lan tỏa rộng rãi nhất.
Từng bản tin, chương trình và các tác phẩm truyền hình đã mang đến cho khán giả trong nước và quốc tế nhịp đập, hơi thở của đời sống xã hội Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, anh dũng cho toàn quân, toàn dân trong công cuộc kháng chiến; tạo nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo cho sự nghiệp dựng xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng thời, trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, các tác phẩm truyền hình đã vun đắp, làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người Việt Nam nhân cách, trách nhiệm, hội nhập.
Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, trong nhiều năm qua, những người làm truyền hình trên cả nước đã mang đến các tác phẩm truyền hình chất lượng cao, giá trị tốt, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả trong và ngoài nước.
Trải qua 41 kỳ, Liên hoan Truyền hình toàn quốc đã trở thành ngày hội của những người làm truyền hình trên cả nước, là diễn đàn hữu ích dành cho những người làm báo hình nói riêng và báo chí nói chung cùng trao đổi, học hỏi, chia sẻ, tăng cường tình đoàn kết, đồng thời được khán giả cả nước mong đợi.
Sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, Liên hoan truyền hình toàn quốc đã trở lại với nhiều ấn tượng to lớn, quy tụ số lượng tác phẩm tham gia tranh giải cao kỷ lục, gồm 714 tác phẩm với 11 thể loại và được thể hiện đa dạng, phong phú trên nhiều nền tảng, phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.
Đây là minh chứng sống động cho thấy ngành truyền hình Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, bắt kịp với xu thế toàn cầu nhưng vẫn giữ được nét độc đáo.
Các tác phẩm tham gia Liên hoan đã bám sát các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở cuộc sống, mang đậm bản sắc vùng miền, được xây dựng công phu, chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa, tác động tích cực trong đời sống xã hội.
Những hình ảnh, âm thanh trong các tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận xã hội, phản biện xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những người làm báo hình có bản lĩnh, ý chí, quyết tâm rất cao, dám dấn thân trong điều kiện tác nghiệp ngặt nghèo, khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
"Có những tác giả, tác phẩm được lựa chọn để vinh danh, nhưng còn rất nhiều tác giả, tác phẩm truyền hình khác vẫn đang làm công việc thầm lặng để đóng góp chung cho đất nước trong giai đoạn khó khăn thời kỳ dịch COVID-19", Phó Thủ tướng nói và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ những người làm báo hình, các tổ chức, cơ quan báo chí trên cả nước đã đồng hành, cổ vũ, tạo đồng thuận xã hội, cùng đất nước, nhân dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các tác phẩm tham dự liên hoan sẽ tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội và động lực sáng tạo cho đội ngũ làm báo chí, đặc biệt là báo hình.
Xứng đáng là những sứ giả sức mạnh mềm của Việt Nam
Phó Thủ tướng cũng trao đổi về những cơ hội, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức của truyền hình trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước hiện nay.
Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo và hội nhập của đội ngũ người làm báo hình của Việt Nam để khẳng định vị thế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và thị hiếu ngày càng cao của khán giả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các loại hình thông tin, truyền thông, đặc biệt là từ nước ngoài.
Kinh nghiệm thành công trong thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu của các nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới chính là phát huy đầy đủ vai trò quan trọng và ưu thế của truyền hình trong việc tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Hơn bao giờ hết, những người làm báo hình Việt Nam cần ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam; mang những giá trị văn hóa tốt đẹp "chân - thiện - mỹ" của dân tộc đến với khán giả trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Một mặt, góp phần giữ gìn và bồi đắp nền văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam mới trong kỷ nguyên số, xã hội số và văn hóa số, mặt khác thúc đẩy văn hóa, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam ra với thế giới.
Phát triển truyền hình thành ngành công nghiệp hiện đại
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; quan tâm đầu tư, khơi thông các nguồn lực xã hội, phát triển không gian văn hóa sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, đãi ngộ, tôn vinh tài năng và cống hiến.
Tạo lập môi trường để những người làm văn hóa, nghệ thuật, trong đó có truyền hình, phát huy sức sáng tạo có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; phát triển truyền hình thành ngành công nghiệp hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
"Với sự trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ nghiệp vụ chuyên môn ngày càng chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên làm truyền hình luôn bám sát hơi thở của cuộc sống; tận dụng tối đa những chất liệu, công nghệ mới để có những sản phẩm với chất lượng cao, có tầm vóc, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả.
Đồng thời, hoàn thành sứ mệnh là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và nhân dân; phát huy sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp ngày càng hiệu quả vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền cảm hứng, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng", Phó Thủ tướng tin tưởng và mong muốn những người làm truyền hình Việt Nam không ngừng lớn mạnh, luôn giữ được lửa nghề, tâm sáng, bút sắc, tiếp tục "Tôn vinh đam mê, khuyến khích đổi mới, cập nhật xu hướng", mang tới những sản phẩm tốt nhất cho khán giả.