Khối doanh nghiệp rất quan tâm đến môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:11, 19/03/2023

(TN&MT) - Tại Diễn đàn Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra sáng ngày 19/3, đại diện các đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với các vấn đề môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
z4193902403270_4dae36936e336d8453beb532106217d3.jpg
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên diễn ra sáng ngày 19/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Nhiều ý kiến xoay quanh việc thực thi các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan; các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống điện trong dự thảo Quy hoạch điện 8; chính sách đất đai mới trong dự thảo Luật Đất đai đang được Quốc hội lấy ý kiến… Những vấn đề này đều có liên hệ mật thiết với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong việc xây dựng một chiến lược kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh và đồng hành với Chính phủ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế phát triển xanh hơn.

Dưới đây là lược ghi một số ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn liên quan đến vấn đề môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu:

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI: Trong triển khai thực hiện các thể chế, chính sách phát triển xanh, bảo vệ môi trường, DN gặp thách thức không nhỏ. 

img7353-167919320587781245638.jpg

Thứ nhất, mức độ hiểu biết về quy định môi trường của DN Việt Nam đang rất hạn chế. Khảo sát DN của VCCI cho thấy, mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song mức độ hiểu biết của DN về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% DN tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% DN cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Thứ hai, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện. Các DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Nhiều DN chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường, cho rằng quy mô quá nhỏ để gây hại cho môi trường. Nhiều DN không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp. Chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao không hợp lý khiến năng lực cạnh tranh của DN bị giảm trước mắt.

Thứ ba, mức độ đầu tư của DN cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 DN áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Để hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng DN kiến nghị cần tăng cường sự tham gia của DN trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường. Nhà nước cũng cần tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách để ưu đãi các DN đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Xây dựng các bộ tiêu chí để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường… Đặc biệt, chú trọng theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương.

Các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các DN (đặc biệt là các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ) dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế để thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán các-bon…; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN. VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.

Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Để chuẩn bị cho tương lai bền vững và thịnh vượng, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách.

z4193902775728_7209866d3bef978279750c4ccf4167dd.jpg

Chính phủ Việt Nam nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cần đưa vào một chiến lược bù đắp nguồn năng lượng sẽ bị thiếu hụt do cắt giảm điện than, nhằm giảm lượng khí thải các-bon. Khí tự nhiên sẽ là nhiên liệu chuyển tiếp hiệu quả nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo.

EuroCham nhận định, các vấn đề về rác thải và thiếu nước cũng có thể được giải quyết với mô hình kinh tế tuần hoàn. Mặc dù có tiến bộ trong việc triển khai luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường thực thi các quy định về chất thải và thúc đẩy việc dùng nhựa phân hủy cho đến khi nhựa được loại bỏ về cơ bản.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):

z4193902717196_beba85d164b7f4bdef7cfb774829c116.jpg

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên gia hạn đóng góp do quốc gia tự quyết định đối với Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2020, cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, cần ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài.

Phát huy những cam kết tại COP26, việc ký kết Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) giữa Nhóm Đối tác Quốc tế và Việt Nam vào tháng 12/2022 phản ánh sự hỗ trợ thiết thực đối với các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia, bao gồm cả việc tăng đáng kể tỉ trọng năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Những cơ chế mà chúng tôi đưa ra về mua bán điện trực tiếp rất quan trọng để giảm được carbon cũng như có được tăng trưởng bền vững. Và điều quan trọng nữa trong việc thu hút đầu tư mới đối với năng lượng tái tạo là có được những dự án có khả năng cấp vốn ngân hàng năm 2023. 

Ông Nagaoka Teketoshi, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam:

z4193902635492_0c7fd644203eedce35d5c5d4e83c1677.jpg

Khu vực tư nhân của Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ ngành điện và năng lượng, phương thức tài trợ vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch để cắt giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon.

Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với cấu trúc năng lượng của Việt Nam nên tôi cho rằng, những giải pháp như công nghệ nhiệt điện không phát thải, công nghệ tiết kiệm năng lượng từ góc độ người tiêu dùng và giải pháp lưu trữ điện tại chỗ khá phù hợp với chính sách năng lượng của Việt Nam.

JCCI khuyến nghị Việt Nam cần sớm công bố chính thức Quy hoạch điện 8 nhằm đảm bảo nguồn lực đầu tư thích hợp cho sản xuất điện theo kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; ban hành các quy định về đầu tư phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý thu hút doanh nghiệp và tổ chức nước tham gia thực hiện hiện các dự án điện quy mô lớn, bao gồm điện khí, điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về phát triển điện mặt trời áp mái nhằm thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, cũng như khách hàng của họ.

Ông John Rockhold, Trưởng Nhóm công tác VBF về Điện và Năng lượng: Quá trình giảm thải cacbon phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của quốc gia.

img7365-1679201539182178659446.jpg

Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,8% lượng phát thải toàn cầu, tương đối nhỏ nhưng đang tăng lên và ước tính năm 2022, tương đương khoảng 3,5 tấn mỗi người.

Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để huy động đầu tư vào quá trình giảm thải carbon có thể giảm chi phí dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Trên toàn cầu, một loạt các công cụ tài chính đang nổi lên. Bao gồm tái chế doanh thu thông qua định giá carbon và thị trường carbon; trái phiếu xanh và quỹ tài chính xanh; liên doanh đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh quy mô lớn; quỹ đổi mới xanh; các công ty dịch vụ năng lượng tái tạo, đơn vị phân loại đầu tư xanh, và nhiều công ty khác.

Trong vài năm tới, Việt Nam có cơ hội huy động vốn toàn cầu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi của mình, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện một thách thức kép là giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050, đồng thời đạt được vị thế nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này, bằng cách đảm bảo quá trình giảm thải cacbon (và chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung) vẫn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của quốc gia.

Việt Nam chưa bao giờ ở một vị trí tốt hơn để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một tương lai giảm thiểu phát thải cacbon. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc thực hiện một cơ cấu pháp lý nhằm ngăn chặn sự gia tăng carbon hóa và suy thoái môi trường, Việt Nam sẽ cần phải tăng đáng kể sự thuận tiện mà khu vực tư nhân có thể đầu tư, phát triển và tiếp cận các tài sản, các dự án và sáng kiến đang chuẩn bị cho đất nước trở thành một quốc gia giảm thiểu phát thải cacbon và có khả năng phục hồi môi trường.

Khánh Ly - Ảnh: Trương Gia - VGP/Nhật Bắc