Những kinh nghiệm hay từ một tỉnh đầu tiên hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững

Xã hội - Ngày đăng : 19:33, 17/03/2023

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả gắn kết công tác bảo vệ môi trường với giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đến hết năm 2022, Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Nhiều chính sách giảm nghèo hiệu quả

Tính đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, cao hơn mức bình quân của cả nước. Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh, có 4/13 địa phương là Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô không còn hộ nghèo.

anh-qn-01.jpg

Người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu được vay vốn phát triển vườn ươm  cây giống cho thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có được kết quả trên, thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Cùng với việc tuyên truyền các chính sách giảm nghèo đến người dân, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay và hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, Quảng Ninh còn nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Một trong những giải pháp giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, ở các địa phương cũng đã xây dựng cơ chế khuyến khích thoát nghèo. Đặc biệt, huyện Ba Chẽ và Đầm Hà đều có cơ chế động viên, khuyến khích các hộ thoát nghèo. Cụ thể, đối với những hộ mới thoát nghèo năm đầu tiên được biểu dương với mức 500.000 đồng/hộ, năm thứ 2 không tái nghèo được động viên mức 300.000 đồng/hộ.

Từ một có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, năm 2022, gia đình chị Chìu Thị Hai, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ được hỗ trợ 150 con gà để phát triển kinh tế. Nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm, gia đình chị Hai kết hợp chăn nuôi gà và trồng rừng, chăm lo phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo. 

Trong năm 2021 và 2022, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.

Nâng cao chất lượng môi trường cuộc sống

Song song với công tác giảm nghèo, tỉnh Quảng Ninh cũng luôn chú trọng triển khai các giải pháp, mô hình bảo vệ môi trường, gắn công tác giảm nghèo với nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Những năm gần đây, các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường và phát động đến từng thôn, khu; đặc biệt là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân. Trong đó, nổi bật là mô hình 3R - phân loại rác tại nguồn được đẩy mạnh tại nhiều nơi, mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Các mô hình tại thôn, khu dân cư như: "Tổ phụ nữ thu gom rác thải", "HTX thu gom rác thải" cũng giúp cho người dân, nhất là bà con vùng DTTS ở các xã miền núi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Xã vùng cao Quảng Lâm, huyện Đầm Hà những năm qua thường xuyên duy trì thực hiện “Ngày chủ nhật xanh” gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn xây dựng vườn mẫu, gia đình kiểu mẫu trồng cây xanh, cây hoa, đóng góp quỹ thu gom rác thải, thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường xã ngày càng xanh, sạch, đẹp.

anh-qn-02.jpg

Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” được xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà duy trì thường xuyên, góp phần giữ cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp.

Gia đình bà Chìu Sám Múi, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà chia sẻ, mỗi khi các hội, đoàn thể xã Quảng Lâm phát động phong trào vệ sinh môi trường đường làng, thôn, bản, gia đình tôi đều tích cực tham gia. Riêng đối với rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, gia đình tôi phân loại, để đúng nơi quy định để Công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của chất thải đối với môi trường. Đồng thời, huyện cũng như hỗ trợ xây dựng hố ủ rác hữu cơ cho các hộ gia đình, nhất là những hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa của địa phương.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực thực hiện việc di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý, 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 99,6% dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song công tác bảo vệ môi trường luôn gắn liền với kết quả của Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn Quảng Ninh trong thời gian qua. Điều này khẳng định sự quyết tâm của Quảng Ninh nhằm đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, từ đó tạo nền tảng hình thành nền kinh tế xanh hướng tới phát triển toàn diện, vững bền.

Phạm Hoạch