Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đất ngập nước
Môi trường - Ngày đăng : 19:31, 17/03/2023
Việt Nam được đánh giá là một nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, nó được thể hiện qua chức năng và tầm quan trọng của các hệ sinh thái. Hệ sinh thái không chỉ là nơi cư trú, môi trường sống của nhiều loài sinh vật mà còn có chức năng cung cấp các loại hình dịch vụ như: mang đến những lợi ích trực tiếp cho con người, đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu xây dựng và các nguồn nguyên liệu, dược liệu; tham gia vào quá trình điều hòa khí hậu và tự phục hồi của môi trường.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng làm mất môi trường sống tự nhiên. Ngoài ra, suy thoái môi trường do khai thác quá mức, các loài ngoại lai xâm hại, hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường cũng là những tác nhân tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của vốn tự nhiên và đa dạng sinh học, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường ) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An” nhằm xác định rõ những đóng góp về mặt kinh tế của tài nguyên rừng tại hai địa phương. Thông qua đó, nghiên cứu hướng tới mục tiêu hỗ trợ các nhà hoạch định trong quá trình xây dựng chính sách, lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành cũng như có kế hoạch bảo tồn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên rừng.
Theo các kết quả nghiên cứu được công bố, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát đã đóng góp cả giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch...) lẫn giá trị sử dụng gián tiếp (dịch vụ điều tiết, lưu trữ và hấp thụ các-bon, vẻ đẹp cảnh quan) cũng như giá trị bảo tồn.
Trong đó, tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau mang lại là 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087,6 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%); giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%). Tỷ lệ này sẽ tiếp tục thay đổi khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai trên cả nước với quy định các đơn vị phát thải lớn phải chi trả cho dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng và khi đó giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng ngập mặn sẽ tính thành giá trị sử dụng trực tiếp.
Dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được coi là giá trị quan trọng nhất với 598,4 tỷ đồng/năm, tiếp đến là phòg hộ ven biển (552,1 tỷ đồng/năm), nguồn lợi thuỷ sản (đánh bắt tự nhiên, 335,1 tỷ đồng/năm), giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon (103,9 tỷ đồng/năm), giá trị sinh thái du lịch cảnh quan (thông qua thu hút khách với 90,7 tỷ đồng/năm), giá trị như gỗ củi là 63,5 tỷ đồng/năm).
Tại Nghệ An, tổng giá trị kinh tế Vườn quốc gia Pù Mát mang lại là 12.813,36 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm giá trị bảo tồn). Khu vực có tổng giá trị cao nhất tập trung chủ yếu ở vùng lõi của vườn quốc gia, với mức giá trị 75-85 triệu đồng/ha. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tổng giá trị nhóm dịch vụ cung cấp, dịch vụ văn hóa của Vườn quốc gia đạt mức 90,67 tỷ đồng/năm. Tổng giá trị nhóm dịch vụ điều tiết đạt mức 12.722,7 tỷ đồng. Trong đó, giá trị gỗ và măng rừng đạt 3,96 tỷ đồng/năm, du lịch đạt 86,7 tỷ đồng/năm, giá trị lưu trữ các-bon lên tới 11.059 tỷ đồng/năm, hay giá trị điều tiết nước cho nhà máy thuỷ điện là 1.663 tỷ đồng/năm.
Theo đánh giá của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, việc nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái giúp người dân và các cơ quan quản lý hiểu được giá trị các loại hình dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là dịch vụ cung cấp, điều tiết và dịch vụ văn hoá để phát triển sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có thể chủ động lồng ghép các kết quả nghiên cứu vào quá trình xây dựng chính sách tại địa phương như: Lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập quy hoạch phát triển ngành, lập quy hoạch bảo tồn, xây dựng và triển khai cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trên cơ sở đó sẽ giúp cho địa phương đạt được các mục tiêu lớn hơn về xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững.