Hậu Giang: Đảm bảo nguồn nước cho phát triển kinh tế nông nghiệp

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:31, 17/03/2023

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên nước (TNN), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.
a1.-ong-truong-canh-tuyen.jpg
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang

PV: Xin ông chia sẻ một số kết quả đạt được trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn TNN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Tỉnh Hậu Giang với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên nguồn TNN nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất. Hậu Giang được xem là tỉnh có nguồn nước mặt dồi dào với hệ thống sông kênh rạch chằng chịt, địa hình thấp dạng lòng chảo có khả năng tích trữ nước lớn. Song, trước sự phát triển kinh tế - xã hội, dân số tăng nhanh, đô thị phát triển, gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH)… đã dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng các nguồn TNN.

Thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012, tỉnh Hậu Giang đã triển khai một số nhiệm vụ về điều tra, quy hoạch phân bổ nước dưới đất; phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt; phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; phê duyệt vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang còn phê duyệt Kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải ở một số sông chính; xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát TNN với 24 lỗ khoan quan trắc nước dưới đất, 45 điểm quan trắc định kỳ chất lượng nước mặt, 05 trạm quan trắc nước mặt tự động… trên địa bàn.

Năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã phê duyệt kế hoạch điều tra cơ bản TNN; xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN và phòng chống tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh Hậu Giang; đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang còn ban hành bảng giá tính thuế TNN hàng năm theo chính sách khuyến khích khai thác sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nước dưới đất thông qua bảng giá tính thuế tài nguyên.

Nhìn chung, thời gian qua, công tác quản lý các nguồn TNN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, đáp ứng đủ cho các nhu cầu sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững của địa phương.

a2.-nguon-nuoc-mat.jpg
Nguồn nước mặt trên các sông rạch của tỉnh Hậu Giang đang phải chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH và các hoạt động khác có liên quan

PV: Ông có thể cho biết, các yếu tố cực đoan do biến đổi khí hậu tác động như thế nào đối với nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Thời gian qua, các yếu tố khí hậu cực đoan như nắng hạn kéo dài, mưa trái mùa, gia tăng tần suất các đợt mưa lớn…, gây ra những tác động nhất định đến nguồn TNN. Hiện tại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng đang chịu ảnh hưởng về nguồn TNN trước tác động từ hoạt động của hệ thống các đập thủy điện, vấn đề xả nước từ thượng nguồn sông Mê Công hay tác động điều tiết mặn từ các hệ thống thủy lợi trong vùng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Qua kết quả quan trắc động thái nước dưới đất hàng năm cho thấy, mực nước dưới đất ở tất cả các tầng đều bị suy giảm khoảng 30-40 cm/năm. Mặc dù một số tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không có công trình khai thác, mực nước vẫn giảm rất nhanh. Về chất lượng nước, kết quả quan trắc môi trường nước trong thời gần đây, cho thấy chất lượng nước chưa có sự thay đổi lớn, tuy nhiên trước thực trạng sử dụng nước gia tăng, dòng chảy suy giảm dẫn đến nguy cơ chất lượng nguồn nước bị suy giảm là rất lớn.

a3.-phat-trien-nong-nghiep.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang tập trung quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phục vụ phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân

PV: Để quản lý hiệu quả, sử dụng TNN hợp lý, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Trước những tác động lớn đến nguồn TNN do ảnh hưởng yếu tố cực đoan của BĐKH và các hoạt động trên, công tác quản lý về TNN phải đặc biệt được chú trọng. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang xây dựng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đọan 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh có tích hợp phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, các ngành, các cấp phải quyết tâm thực hiện để đảm bảo nguồn TNN được khai thác, sử dụng hiệu quả để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Để quản lý hiệu quả, sử dụng hợp lý TNN, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Hậu Giang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thực nhiện các nhiệm vụ, dự án đánh giá diễn biến nguồn nước trước các tác động do BĐKH; đồng thời, tăng cường kiểm soát, giám sát nguồn nước và hoạt động khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước để đánh giá kịp thời, chủ động đưa ra các giải pháp về nguồn nước phục vụ khai thác bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; điều tra, đánh giá và dự báo diễn biến nguồn TNN mặt; đồng thời, Hậu Giang sẽ xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nguồn TNN; xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ thông tin thực hiện đồng bộ các quy định về khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN trên các lưu vực sông, kênh rạch liên tỉnh, góp phần giúp tỉnh Hậu Giang nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng