Quảng Bình: Hơn 17 nghìn lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 19:28, 17/03/2023

(TN&MT) - Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc của tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 2.744 cuộc hội nghị, hội thảo và nhận được 17.285 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chiều 17/3, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

img_0037.jpg
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều với 10 chính sách mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Dự thảo Luật đã thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 và các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khoá XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội.

Đặc biệt, Dự thảo Luật đã thể chế hoá 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đối mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu thập cao” và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dự thảo Luật đã đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ không mâu thuẫn lẫn nhau để phát triển.

img_0012.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình Nguyễn Huệ trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Thanh Tùng

Tại Hội nghị, trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã chủ động lập kế hoạch lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) và tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Đến nay, cơ quan được giao tổng hợp kết quả đã tiếp nhận Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của 62 cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.

“Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến gửi đến, cơ quan được giao tổng hợp kết quả đã tiến hành tổng hợp các ý kiến một cách trung thực, đầy đủ và khách quan. Theo kết quả tổng hợp, để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc đã tổ chức 2.744 cuộc hội nghị, hội thảo; đã nhận được 17.285 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Huệ cho biết.

Cụ thể, Chương I có 544 lượt ý kiến góp ý; Chương II có 649 lượt ý kiến góp ý; Chương III có 917 lượt ý kiến góp ý; Chương IV có 864 lượt ý kiến góp ý; Chương V có 1.014 lượt ý kiến góp ý; Chương VI có 746 lượt ý kiến góp ý; Chương VII có 887 lượt ý kiến góp ý.

Chương VIII có 488 lượt ý kiến góp ý; Chương IX có 2.713 lượt ý kiến góp ý; Chương X có 555 lượt ý kiến góp ý; Chương XI có 4.347 lượt ý kiến góp ý; Chương XII có 122 lượt ý kiến góp ý; Chương XIII có 2.263 lượt ý kiến góp ý; Chương XIV có 121 lượt ý kiến góp ý; Chương XV có 471 lượt ý kiến góp ý và Chương XVI có 583 lượt ý kiến góp ý.

img_0032(1).jpg
Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của Cơ quan được giao tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình) đã nhận được 135 ý kiến của các cá nhân thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); 42 ý kiến của các cá nhân tham gia góp ý.

Theo ông Nguyễn Huệ, việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ; việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm; ý kiến đóng góp của Nhân dân đã được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huệ đã báo cáo tổng hợp cụ thể ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh các ý kiến đã được tổng hợp, các đại biểu tham dự cũng đã có một số ý kiến góp ý thêm về một số điều, khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

img_0024.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, việc góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian qua đã được cán bộ, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Hoạt động góp ý về dự thảo Luật Đất đai đã thu hút sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh từ cấp tỉnh đến tận cơ sở. UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp cùng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và góp ý đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong tỉnh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện cho nhân dân thể hiện quan điểm, chính kiến về toàn bộ nội dung nói chung cũng như đối với từng điều, khoản cụ thể của Luật Đất đai, để nhân dân trở thành chủ thể tích cực tham gia xây dựng và thi hành Luật Đất đai trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngay sau hội nghị này, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, hoàn chỉnh, tham mưu UBND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đúng yêu cầu về nội dung, tiến độ đề ra.

Thanh Tùng