Thúc đẩy nghiên cứu biến đổi khí hậu phục vụ quá trình phát triển bền vững

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:31, 17/03/2023

(TN&MT) - Ngày 17/3, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo Khoa học thường niên lần thứ XXV với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số và khoa học mở trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước”.
z4188909100172_5c8dd0d0b59fb0b18cd70416465a024a.jpg
PGS.TS - Phạm Thị Thanh Ngà - Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS - Phạm Thị Thanh Ngà - Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH cho biết, trong những năm qua, Viện KHKTTV&BĐKH, đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở và các dự án hợp tác quốc tế. Trong năm 2023, Viện tiếp tục triển khai 4 đề tài cấp Nhà nước, trong đó có 3 đề tài chuyển tiếp thuộc chương trình 562 và 1 đề tài mở mới độc lập cấp Nhà nước; triển khai thực hiện 6 đề tài cấp Bộ, trong đó có 2 đề tài chuyển tiếp và 4 đề tài mở mới; tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ chuyên môn chuyển tiếp và 1 chuyên môn nhiệm vụ mở mới.

Qua các kết quả đạt được, những đề tài khoa học sẽ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Viện cũng luôn tích cực trong công tác đào tạo trình độ Tiến sĩ cho các ngành học về Khí tượng khí hậu học, thủy văn học, Quản lý TNMT và BĐKH. Hiện nay có 23 nghiên cứu sinh đang nghiên cứu và học tập tại Viện.

Hội thảo khoa học thường niên chính là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả và trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu, đây cũng là cơ hội để các cán bộ nghiên cứu trẻ trong Viện có điều kiện nâng cao năng lực và sự tự tin trong việc trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học của mình.

img_0009.jpg
TS. Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn chia sẻ tại Hội thảo

TS. Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn chia sẻ tại Hội thảo, thời gian qua, nhờ các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của Viện KHKTTV&BĐKH đã góp phần rất lớn cho công tác quản lý Nhà nước và tác động tốt đến công việc của những người quản lý cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Những kết quả công trình khoa học chính là công sức của cả một tập thể các nhà nghiên cứu trong giới khoa học và Hội thảo khoa học thường niên cũng chính là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trao đổi, chia sẻ và tập trung trí tuệ của các nhà khoa học đúc kết vào những sản phẩm chất lượng, có giá trị thực hiện hơn.

Qua đó, TS. Đức Cương đánh giá rất cao Hội thảo khoa học mang tính chuyên đề của Viện KHKTTV&BĐKH, như vậy không chỉ riêng các nhà nghiên cứu mà chính bản thân mỗi người trong công tác thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học có thể rèn luyện những kỹ năng, ý tưởng của mình. TS. Đức Cương hy vọng những công trình nghiên cứu khoa học thông qua các hội thảo sẽ góp phần quan trọng hơn trong việc áp dụng vào thực tiễn cũng như giúp ích cho công tác quản lý nhà nước và sự tác nghiệp của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

img_0038.jpg
TS. Nguyễn Hữu Quyền trình bày về đề tài “Đảo nhiệt đô thị tại Hà Nội và một số giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BĐKH”

TS. Nguyễn Hữu Quyền trình bày về đề tài “Đảo nhiệt đô thị tại Hà Nội và một số giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BĐKH”, do tình hình BĐKH tại Việt Nam và hiện ở trong đô thị ngày càng gia tăng, mở rộng, đặc biệt các đô thị ven biển còn chịu tác động do các thiên tai khác như nước biển dâng, gió mạnh, sóng lớn, mưa to,… Từ đó, gây nên những rủi ro do hiện tượng đảo nhiệt trong đô thị như đô thị miền Trung có những trận mưa lớn vào tháng năm 2020. Trong đó có những hiện tượng cực đoan như gió mạnh, dông lốc, bão, gần đây Bộ TN&MT đưa ra công bố trong năm 2022 có xu thế tăng nhanh và mạnh.

Theo IPCC 2018 đã đúc kết kinh nghiệm của các đô thị trên thế giới về giải pháp chống chịu với thiên tai, trong đó có 5 giải pháp như tích hợp giảm nhẹ thích ứng; giảm thiểu rủi ro thiên tai thích ứng với BĐKH; đồng thời xây dựng thông tin rủi ro có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, quản lý, nhà khoa học… trong đánh giá rủi ro khí hậu đô thị và xây dựng chính sách ứng phó phù hợp; tập trung nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên ứng phó BĐKH đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, người nhập cư,…; và quản trị tài chính, mạng lưới tri thức. TS. Hữu Quyền đưa ra một số kiến nghị, để đảm bảo phục vụ công tác quy hoạch và thiết kế đô thị giảm phát thải khí nhà kính, cần triển khai những nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học về khí hậu đô thị, giúp chống chịu với BĐKH; xác định rõ lộ trình lâu dài nhằm hướng đến mục tiêu chung là phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ 21….

img_0033.jpg
Hội thảo khoa học thường niên lần thứ XXV với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số và khoa học mở trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước”

ThS. Trần Duy Thức cũng trình bày đề tài về Chỉ tiêu xác định thay đổi cường độ, quỹ đạo đột ngột và bão trên khu vực biển Đông, trong đó TS. Duy Thức xác định thời điểm thay đổi đột ngột của tâm bão, phân hướng nghiên cứu và kiểm tra sự ổn định của bão trong 36h để biết chính xác cách di chuyển của bão, nhằm đưa ra phương pháp xác định được sự thay đổi đột ngột của bão, và cải thiện được chất lượng dự báo bão trên Biển Đông và có những giải pháp phòng chống thiên tai hiệu quả vào đất liền.

Trong Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Viện KHKTTV&BĐKH; cùng Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hải văn đã trình bày những đề tài và chủ đề xoay quanh Khí tượng - Khí hậu – BĐKH và Thủy văn – Hải văn – và Môi trường mang tính quan trọng như: Đánh giá thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do BĐKH tác động đến sử dụng đất nông nghiệp tỉnh Nam Định; Cách tiếp cận thị trường Carbon tại Việt Nam; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thủy văn, tài nguyên nước trên các lưu vực sông Việt Nam; Đánh giá ước lượng mưa do bão từ dữ liệu vệ tinh GSMAP và TRMM trên khu vực Việt Nam;….

Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà đánh giá cao chất lượng trình bày các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, các tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học , để từ đó Hội thảo có những ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận mang tính xây dựng giúp các đề tài được hoàn thiện và phát triển hơn. PGS.TS Thanh Ngà mong muốn, trong những Hội thảo sắp tới, sẽ có được những đề xuất, bài trình của các nhà khoa học từ khắp các đơn vị triển khai thực hiện về những vấn đề, lĩnh vực về môi trường, về BĐKH đang rất được quan tâm hiện nay.

Thuỵ Khanh