Tổng hợp cụ thể các vướng mắc để tìm cách “gỡ khó” cho EVN

Kinh tế - Ngày đăng : 16:29, 17/03/2023

(TN&MT) - Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) về tình hình triển khai thực hiện các dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn. Đoàn giám sát đề nghị EVN tổng hợp cụ thể các ý kiến đóng góp, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc để Đoàn giám sát làm cơ sở kiến nghị, trình Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho EVN.

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện EVN cho biết, EVN đã hoàn thành công tác đề bù giải phóng mặt bằng tại Trung tâm Điện lực Ô Môn từ năm 2012, tuy nhiên đến nay mới chỉ có Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn I hoàn thành đưa vào vận hành.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I được hoàn thành năm 2015 với 2 tổ máy, có tổng công suất 660MW. Nhà máy có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện một cách kịp thời, góp phần rất lớn trong cung ứng điện năng cả về mùa khô và mùa mưa. Ngoài ra, nhà máy còn tạo ra nguồn dự phòng cho hệ thống, cải thiện chất lượng điện năng, nâng cao chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của lưới điện quốc gia nói chung và hệ thống điện miền Nam nói riêng.

01.jpg
Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV nghe báo cáo tiến độ các dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn

Theo đại diện EVN, hiện dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các cơ chế, chính sách như Dự án NMNĐ Ô Môn III vay vốn ODA của Chính phủ Nhật bản, mặc dù TP. Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đề xuất dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt do vướng cơ chế cho vay lại trong nước không chịu rủi ro tín dụng theo kiến nghị của EVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công suất của nhà máy này cũng chưa được xác định do Quy hoạch điện VIII chưa được Thủ tướng phê duyệt. EVN kiến nghị đưa Dự án NMNĐ Ô Môn III thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại trong nước không chịu rủi ro tín dụng.

Đối với Dự án NMNĐ Ô Môn IV, EVN đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC từ năm 2020 với mục tiêu hoàn thành phát điện vào cuối năm theo 2023 (theo chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt). Tuy nhiên, việc triển khai dự án yêu cầu phải đồng bộ với tiến độ cấp khí Lô B, trong khi đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã điều chỉnh tiến độ cấp khí đầu tiên của Lô B vào cuối năm 2026, nên EVN dự kiến sẽ phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC vào tháng 4/2026 và triển khai các bước tiếp theo. EVN kiến nghị Petrovietnam đẩy nhanh tiến độ cấp khí Lô B để đảm bảo dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.

02.jpg
Đoàn giám sát tặng quà động viên lực lượng vận hành NMNĐ Ô Môn I

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng Dự án khí điện lô B - Ô Môn có vai trò quan trọng, góp phần cung cấp điện, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội cho TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Do đó, thành phố đề xuất đoàn giám sát, xem xét hỗ trợ ngành Điện đưa dự án khí điện lô B - Ô Môn vào danh mục các dự án trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long để khai thông cơ chế tài chính cho vay lại của dự án.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đánh giá cao những thông tin báo cáo và kiến nghị của EVN tại buổi làm việc, đồng thời cho biết qua cuộc khảo sát và làm việc lần này đoàn giám sát đã nắm thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các khó khăn trong việc thực hiện dự án thuộc chuỗi khí - điện Lô B tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Đoàn giám sát đề nghị EVN tổng hợp cụ thể các ý kiến đóng góp của thành viên đoàn giám sát và lập báo cáo nêu rõ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách và nhất là cơ chế cho vay lại 100% vốn ODA của chính phủ Nhật Bản đối với dự án NMNĐ Ô Môn III. Qua đó, đoàn giám sát sẽ có cơ sở tổng hợp vướng mắc cũng như kiến nghị để trình Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho EVN.

Phương Hà