Thúc đẩy hợp tác Đông Nam Á trong kiểm soát chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Môi trường - Ngày đăng : 22:26, 16/03/2023

(TN&MT) - Trong thời gian tới, Văn phòng ô-dôn và cơ quan hải quan các quốc gia Đông Nam Á sẽ cùng hợp tác để tăng cường thực thi quy định pháp luật về kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy phối hợp giữa cán bộ Văn phòng ô-dôn và Hải quan các quốc gia Đông Nam Á về báo cáo và kiểm soát thương mại các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất HFC”, do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức trong hai ngày 16 – 17/3, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

z4187003482290_0c269996af2d28da46c2746d4188b08d.jpg
Ông Shaofeng Hu, Điều phối viên cao cấp khu vực Nghị định thư Montreal, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Shaofeng Hu, Điều phối viên cao cấp khu vực Nghị định thư Montreal (UNEP) cho biết, việc thực hiện Nghị định thư Montreal tại khu vực Đông Nam Á đã đạt nhiều thành tựu trong việc kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn như CFC, HCFC (các chất ODS), trong đó có đóng góp không nhỏ của lực lượng hải quan các quốc gia. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa cơ quan quản lý Văn phòng ô dôn và cơ quan hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan, thúc đẩy thực hiện dán nhãn bắt buộc các chất HCFC và kết nối các quốc gia để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với ODS, Bản sửa đổi Kigali của Nghị định thư Montreal đã đề ra lộ trình kiểm soát HFC - các chất mới có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính. Khối lượng giao dịch HFC đang tăng lên đáng kể và công tác giám sát, kiểm soát các chất này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan Văn phòng Ô-dôn và hải quan của các quốc gia trong khu vực, xác định các thách thức và thống nhất các phương pháp tăng cường thực thi pháp luật đối với các chất bị kiểm soát. Nhờ đó, công tác kiểm soát/báo cáo của các quốc gia về việc buôn bán ODS/HFC cũng hiệu quả hơn. “Qua đây, chúng tôi kỳ vọng, cơ chế hợp tác cấp khu vực cũng có thể được xác định và thể chế hóa” – ông Shaofeng Hu nhấn mạnh.

z4187003478711_8134c46d3f455352e06a398010e1309e.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trong thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước về bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó, đặc biệt có sự tham gia, phối hợp của Tổng cục Hải quan.

Cục Biến đổi khí hậu và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ký Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng Danh mục và áp mã hàng hóa HS tuân thủ quy định của Tổ chức Hải quan quốc tế đối với các chất ODS, chất HFC; các sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa hoặc sản xuất từ chất ODS, chất HFC.

Bên cạnh đó, hai cơ quan đã triển khai nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ, tăng cường năng lực cho trên 300 cán bộ hải quan của Việt Nam về kiểm soát xuất nhập khẩu và phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất làm suy giảm tầng ôzôn.

“Theo kế hoạch, cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu và cơ quan hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, nhằm tăng cường thực thi pháp luật và kiểm soát các chất được quản lý” – ông Quang cho biết

anh-3.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến thực thi và giám sát hệ thống cấp phép đối với các chất ODS, chất HFC theo Nghị định thư Montreal. Trong đó, chú trọng cách tích hợp/liên thông kiểm soát thương mại các chất ODS/HFC nhằm thực thi và giám sát hệ thống cấp phép hiệu quả; cách lập hồ sơ rủi ro, hướng dẫn kiểm định hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao và thương mại các chất ODS/HFC bất hợp pháp; hợp tác khu vực về vấn đề này…

Các đại biểu đã chia sẻ về các vấn đề trong kiểm soát thương mại, thông quan và khai báo hải quan; giám sát và báo cáo dữ liệu kiểm soát thương mại các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; thực thi ngoài điểm kiểm tra của hải quan liên quan đến các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính. Đại diện Văn phòng ô-dôn và cơ quan hải quan của các quốc gia Đông Nam Á cũng thảo luận về những phương thức hợp tác khả thi nhằm hợp tác tăng cường giám sát, báo cáo, xác minh và thực thi hệ thống cấp phép các chất ODS/HFC.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam đã tham gia và thực hiện các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường như Công ước Viên, Nghị định thư Montreal từ rất sớm và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việc kiểm soát các chất làm nguy hại đến tầng Ô-dôn đang nhận được quan tâm ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm và thông tin chia sẻ tại hội thảo, các cơ quan hải quan các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ có những chương trình hợp tác cụ thể trong thời gian tới, nhằm tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại hiện nay.

Khánh Ly