Báo chí - Động lực thúc đẩy phát triển xanh

Xã hội - Ngày đăng : 11:28, 16/03/2023

(TN&MT) - Nhu cầu đối thoại thời hội nhập toàn cầu hóa là một tất yếu bởi đối thoại là bản chất của văn hóa. Đối thoại là con đường ngắn nhất giúp con người xích lại gần nhau, chia sẻ, hợp tác, hữu nghị… “Đối thoại văn hóa” trở thành khái niệm trung tâm của triết học văn hóa đương đại. Trong bối cảnh ấy, báo chí được đánh giá cao, được coi là một “quyền lực” bởi đó là phương tiện đối thoại, là diễn đàn đối thoại, là cầu nối…

Tức không có báo chí thì không có xã hội hiện đại, không thể hình thành một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nếu xã hội hiện đại như một cơ thể sống thì báo chí là những mạch máu thông tin nuôi dưỡng cơ thể ấy. Một xã hội tốt đẹp, nhân văn là xã hội hướng con người đến với giá trị vĩnh cửu chân, thiện, mĩ. Đó cũng là ba cột chống vững vàng, chắc chắn nâng đỡ tòa tháp gia đình. Xét đến cùng, bất kỳ cây nhân cách nào có xanh tốt tươi mới được, cũng là nhờ có ba cái rễ khỏe khoắn chân, thiện, mĩ. Với thế mạnh của mình, báo chí hôm nay là một trong những lực lượng nòng cốt làm tốt nhiệm vụ định hướng, điều chỉnh xã hội đi về phía ánh sáng của cái thật, cái tốt, cái đẹp.

8-9-2-.png

Cả thế giới đang hướng đến “tăng trưởng xanh” (Green Growth) để khắc phục vấn đề môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cốt lõi là đưa con người trở về với “ngôi nhà xưa” là Trái đất xanh. Từ thuở hồng hoang, con người được sinh ra, được bao bọc rồi có cuộc sống văn minh đều từ người mẹ vĩ đại là Trái đất. Thế mà có lúc con người quên cả nơi ăn chốn ở của mình, phụ bạc, thậm chí làm tổn thương “bậc sinh thành”. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tài nguyên cạn kiệt là do nhân tính con người cạn kiệt!?

Là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, “tăng trưởng xanh” thúc đẩy quá trình tăng trưởng hiệu quả về mặt tài nguyên, sạch hơn và chóng phục hồi. Tức là, đầu tư vào môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm nâng cao đời sống, cải thiện công bằng xã hội, góp phần giải quyết rủi ro sinh thái. Thế nên không thay thế khái niệm “bền vững”, nhưng “tăng trưởng xanh” được coi là mô hình thích hợp tạo nền móng cho phát triển bền vững. Nhiều nước trên thế giới gắn sự phát triển bền vững với việc “xanh hóa” nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, vai trò, nhiệm vụ của báo chí rất được đề cao trong việc thúc đẩy công cuộc tăng trưởng xanh.

8-9a.jpg

Chiều 15/3, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (thứ 2, từ phải sang) thăm và động viên công tác chuẩn bị gian trưng bày của Báo TN&MT tại Hội báo Toàn quốc 2023. Ảnh: Tùng Quân

Với chức năng giáo dục, định hướng, điều chỉnh dư luận, báo chí góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức và hành động của con người về vấn đề “xanh hóa” môi trường. Là “bạn” của “người tiêu dùng xanh”, báo chí giúp họ tránh tiêu thụ những sản phẩm gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến môi sinh, khuyên họ mua sắm thứ lành mạnh. Thay mặt người tiêu dùng, báo chí yêu cầu nhà cung cấp tạo ra và cung ứng những sản phẩm, dịch vụ tốt cho sức khỏe, thân thiện và tiện lợi. Loại xe tiết kiệm nhiên liệu, thải ít khói hoặc không khói đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới có phần “vào cuộc” tích cực của báo chí. Cách chọn loại đồ gia dụng giúp tiết kiệm năng lượng hay nói không với những sản phẩm được tạo ra từ da, lông, ngà, thịt của động vật hoang dã... là nhờ nhiều những bài báo giàu có lượng thông tin cùng sự phân tích sâu sắc những cái được, cái mất, cái rủi, cái không an toàn...

Ở nước ta, công cuộc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đang đi vào thực chất với những việc làm cụ thể, hiệu quả. Bác Hồ là tấm gương hòa nhập, sống giữa thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên, nhất là việc làm “xanh hóa” môi trường như việc Bác tự cuốc đất trồng rau, trồng hoa, tự mình nuôi cá, chăm cây, lại rất tiết kiệm như chỉ vặn ngọn đèn dầu đủ sáng khi đọc sách... được nhiều tờ báo phổ biến ngày càng thấm sâu vào phong cách sinh hoạt của nhân dân.

Những năm vừa qua, báo chí đã bám sát đường lối của Đảng và Chính phủ, tích cực tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo bạn đọc. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế. Một chiến lược không những phù hợp với quốc tế, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà còn phù hợp với đặc trưng khí hậu, tập quán nước ta, rất “được lòng dân”. Như một nhà tuyên huấn nắm chắc đường lối, như một tuyên truyền viên hiểu sâu sắc nội dung, đối tượng tác nghiệp, báo chí đã làm tốt việc cụ thể hóa vấn đề ở từng ngành nghề, từng địa phương... Đồng thời như một chiến sỹ xung kích trên trận tuyến phanh phui vạch trần những việc làm xấu, ích kỷ lợi mình nhưng hại người, hại đến tài nguyên, đến môi sinh... Xuất hiện nhiều bài báo hay, mới và nóng, bên cạnh tính xây dựng là tính chiến đấu cao đã cung cấp một cái nhìn mới, cách hiểu mới nhân văn, tỉnh táo thực sự vì lợi ích cộng đồng cũng là vì mục tiêu “xanh hóa”. Hiệu quả đến nay thật lạc quan, về vùng quê thấy đường làng phong quang, cây trái tươi tốt, hoa đẹp khoe sắc dâng hương. Rừng được tái sinh, trồng mới. Ở thành thị, các khu phố ngày một văn minh, hiện đại... Sự thay đổi tích cực ấy có công lớn của báo chí.

“Tăng trưởng xanh” là vấn đề toàn cầu. Báo chí tích cực giới thiệu kinh nghiệm “xanh hóa” của nước ngoài. Nhờ báo chí mà bạn đọc Việt Nam được biết ở Mỹ đã sớm có chính sách tăng trưởng xanh để thúc đẩy phát triển kinh tế. Họ tuy giàu nhưng rất tiết kiệm năng lượng, đến năm 2025 năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, đến năm 2030, nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Hay ở Đan Mạch đã đặt mục tiêu trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới với “Chiến lược năng lượng đến 2035” sẽ hoàn toàn nói không với nguyên liệu hóa thạch. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Vì thế Đan Mạch tăng thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt… Nhìn người để ngẫm đến ta. Bạn đọc rất cảm ơn báo chí đã giúp họ mở rộng tầm nhìn để tiến tới thay đổi nhận thức và hành động vì một môi trường xanh ở đất nước ta!

Nhà báo cần rèn luyện, phấn đấu thế nào để hòa nhập và viết tốt hơn về “tăng trưởng xanh”? Thực tế cho thấy, không phải cứ là nhà báo về môi trường mới viết tốt về môi trường, mà tất cả những ai cầm bút đều có thể viết, miễn là có tâm, có hiểu biết, có lòng dũng cảm và viết vì sứ mệnh muôn thuở “chân, thiện, mĩ”.

Báo chí là diễn đàn đối thoại. Nhà báo là những người đối thoại hoặc kiến tạo những cuộc đối thoại. Do vậy, nhà báo cần nắm sâu sắc các nguyên tắc đối thoại: hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Trong đo, “hiểu biết” luôn được nhấn mạnh, đề cao. Lời Bác Hồ dạy là “cẩm nang” cho mọi nhà báo. Một lần về tát nước chống hạn ở Hà Đông, thấy một nhà báo ăn mặc chải chuốt, Bác Hồ nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”. Cũng vậy, phải hiểu rõ về môi sinh để viết về môi sinh mới thuyết phục được bạn đọc. Phải suốt đời rèn luyện vốn sống, phải nhập thân vào đời sống, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời may ra mới viết đúng được bản chất vấn đề. Đây là phương châm rèn luyện không của riêng người cầm bút nào.

Nhân dịp Hội báo Toàn quốc, xin chúc các nhà báo cũng là các nhà “môi trường xanh” có nhiều bài   báo hay về Ngôi nhà Trái đất!

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn ng