Hội báo - thắm thiết tri ân...

Xã hội - Ngày đăng : 11:27, 16/03/2023

(TN&MT) - Năm 1996, khi đang là phóng viên mới, tôi bỡ ngỡ tháp tùng Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh - một nữ nhà báo nổi tiếng và nhiều nhà báo đã thành danh khác ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Cung Thiếu nhi Hà Nội để chuẩn bị cho gian trưng bày tại Hội báo Xuân đang diễn ra tại đây.

Một khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt, với những gương mặt tươi vui, háo hức khiến tôi lần đầu cảm nhận được rõ ràng hơn sức thuyết phục khó cưỡng mà nghề báo đem đến cho cả một đội ngũ, với những màu sắc và không khí mà chỉ Hội báo Xuân mới có.

8-9-3-.jpg

Thấm thoắt đã 27 năm trôi qua kể từ ngày đó, cùng với khái niệm “Hội báo Xuân” gieo vào hành trình làm báo của tôi mỗi dịp Tết đến xuân về.

Có lẽ, cùng với niềm đam mê nghề nghiệp, các nhà báo khác cũng có thể có cảm nhận giống tôi, rằng mỗi khi từ Hội báo Xuân trở về, thái độ và tinh thần của mình sẽ có ít nhiều phấn chấn, rung động hơn trước công việc mà mình đang theo đuổi. Đặc biệt, vào những thời điểm sắp Tết, khi được Ban biên tập giao viết bài Tết, triển khai tổ chức bài Tết, hay khi được anh em đồng nghiệp báo khác đặt bài Tết, cây bút trong tay mình không chỉ biết cáng đáng trách nhiệm và bổn phận có bài tử tế, chất lượng và nộp bài đúng hạn đâu nhé, mà còn xôn xao, hồi hộp, trăn trở và thao thức cùng đồng nghiệp để tìm kiếm, lựa chọn đề tài, nhân vật và chọn cách thể hiện, khai thác, khai mở, kết đóng vấn đề sao cho “Tết” nhất, ưng ý nhất…

Và suốt 8 năm qua, vì lý do công việc, tôi trở thành một trong những người vô cùng gắn bó với những ngày Hội báo Xuân như thế này, ở nhiều vị trí khác nhau.

Khởi đầu vào giữa năm 2014, tôi được sếp Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội gọi lên giao việc: Tôi sẽ chuyển từ làm báo sang làm dự án về Bảo tàng Báo chí. Nhưng lúc đó Bảo tàng chưa ra đời, mới chỉ là đề án trên giấy, phải có một đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm xúc tiến công việc này, nên tạm thời tôi về Nhà Văn hóa, để vừa làm các việc ở đây, vừa lo chuyện Bảo tàng. Mà Nhà văn hóa của Hội thì việc lớn nhất hàng năm chính là trực tiếp làm tham mưu, tham gia tổ chức Hội báo Xuân các địa phương mỗi năm và trên toàn quốc định kỳ 5 năm một lần.

8-9-2-.jpg

Thế là, ở Hội báo Xuân Toàn quốc 2015, tôi có mặt với vai trò thành viên “lao động trực tiếp” của Ban Tổ chức. Tôi nhận nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai các công việc của Hội báo Xuân năm đó - một sự kiện 5 năm diễn ra một lần ở quy mô toàn quốc tại Khu Triển lãm Giảng Võ. Tất bật, lo lắng, áp lực khủng khiếp vì lần đầu tiên tôi gánh trên vai một công việc nặng nề như thế. Bận đó, có lúc mồ hôi và cả nước mắt đã rơi lã chã vì những đề xuất, những văn bản bị trả lại và phương án trình lên không được duyệt. Mệt nhất là trong không gian chật chội của tòa nhà A Khu Triển lãm, phải làm sao bố trí được hợp lý nhất cho trên một trăm gian trưng bày của các báo: báo to, báo nhỏ, báo Trung ương, báo địa phương, báo ngành, báo hội từ cả nước tụ về… Tóm lại, tối ngày hai mươi ba Tết Ất Mùi đó, tôi mới được thở phào sau ba ngày hội tấp nập, căng thẳng, với nhiều tình huống đột xuất phải xử lý…

Cuối năm 2015, nhiệm kỳ Ban chấp hành mới của Hội tiếp tục sứ mệnh của mình, đã đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy những thành quả Hội báo Xuân Toàn quốc các năm trước đã gây dựng được. Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội yêu cầu tôi tìm hiểu Hội báo L’Humanité của Pháp để đổi mới cách thức tổ chức sự kiện hàng năm vào dịp đầu xuân.

Thế là Lễ khai mạc Hội báo Toàn quốc lần đầu tiên đã diễn ra giữa tháng 3/2016, ngay tại sảnh trước của Tòa nhà mới hoàn thành của Hội Nhà báo Việt Nam trên phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trong 3 ngày, Hội báo đã thu được những kết quả cực kỳ tốt đẹp, không gian tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà tuy diện tích khiêm tốn nhưng đã quy tụ được hàng trăm gương mặt báo chí cả nước và bước đầu được ghi nhận là một ngày hội nghề nghiệp đặc sắc, nổi bật của giới báo chí cả nước, thu hút được đông đảo người làm báo và công chúng báo chí khắp các vùng miền tham gia.

Riêng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, lúc ấy vẫn chưa hội đủ các điều kiện chặt chẽ để được thành lập theo quy định của Luật Di sản, nhưng vẫn tích cực tham gia Hội báo bằng một Trưng bày chuyên đề: “Báo chí Việt Nam: Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ” để tưởng nhớ nữ ký giả, chủ nhiệm báo Sương Nguyệt Anh và tờ báo nữ đầu tiên Nữ giới chung ra đời 100 năm trước. Khá nhiều tư liệu, hiện vật đã được bày giới thiệu với công chúng và đồng nghiệp tại đây, là bước tập dượt cho trưng bày chính thức của Bảo tàng sau này. Tại cuộc họp báo giới thiệu chung về Hội báo năm đó, tôi đã khá liều khi đăng đàn phát biểu rằng: “Các bài nghiên cứu, sách đã xuất bản về đề tài báo chí nữ mà chúng tôi tiếp cận được đều cho rằng đề tài nữ chỉ xuất hiện trên báo chí từ năm 1007 -1908 đầu thế kỷ XX, tuy nhiên khi chủ động tra cứu Gia Định báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của nước ta, chúng tôi đã có bằng chứng để thấy rằng: đề tài nữ đã được đề cập trên báo chí nước ta sớm hơn rất nhiều, khoảng từ những năm 1882 - 1883 (vì lúc đó chúng tôi chỉ có trong tay Gia Định báo thời điểm này). Rất mong các nhà nghiên cứu quan tâm!”

Điều đáng nói là, cuối năm 2016, Đề án tổ chức Hội Báo toàn quốc hàng năm - sáng kiến của Hội Nhà báo Việt Nam được phê duyệt, từ đó, Hội báo Toàn quốc - Ngày hội lớn của giới báo chí cả nước đã trở thành một trong các sự kiện thường niên tiêu biểu nhất được tổ chức mỗi dịp xuân về.

Trong các năm tiếp theo, liên tiếp các Hội báo năm 2017, 2018 và 2019 đã được tổ chức (địa điểm được lựa chọn là Bảo tàng Hà Nội) và từng bước khẳng định một cách vững chắc vị trí, thương hiệu của sự kiện.

Năm 2020 và 2021, do tình hình dịch căng thẳng, Hội báo lần thứ 5 đã không tổ chức được.

8-9-1-.png

Bạn đọc thăm quan gian trưng bày của Báo TN&MT tại Hội báo Toàn quốc năm 2022. Ảnh: Trần Văn

Năm 2022, vượt lên những thách thức và áp lực do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công sự kiện Hội báo Toàn quốc 2022, khẳng định tầm vóc, vị thế, ảnh hưởng tích cực và to lớn của báo chí và những người làm báo cách mạng với ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, thể hiện rõ trong cả những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp nhất của đất nước và thế giới.

Tại Hội báo này, lần đầu tiên, một chương trình truyền hình thực tế vốn lấy đi nhiều nước mắt của công chúng màn ảnh nhỏ “Như chưa hề có cuộc chia ly” gắn với tên tuổi nhà báo Thu Uyên đã được tổ chức ghi hình tại chỗ, là điểm nhấn trực tiếp ngay sau cuộc toạ đàm “Chuyện nghề: Hai chữ Nhân văn”. Và cũng lần đầu tiên, vấn đề Chuyển đổi số được chủ động đề cập một cách sâu sắc, từ nhiều góc độ, thuyết phục đông đảo công chúng tham dự tại Hội thảo do Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức, mở đầu một năm sôi nổi chuyển đổi số trong cả hệ thống quốc gia nói chung và làng báo nói riêng…

Hội báo 2023 tiếp tục hành trình tôn vinh thành tựu, hình ảnh đất nước trong tiến trình đổi mới; đồng thời khẳng định trách nhiệm và vai trò quan trọng, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng trong thời đại hôm nay.

Có thể nói không ngoa rằng, Hội báo Toàn quốc 6 năm qua chính là những thời điểm vàng để nhìn nhận sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cả nước sau mỗi năm cật lực lao động sáng tạo và “chạy” thời sự; là dịp người làm báo cả nước chính thức xuất hiện trước nhân dân với những sản phẩm báo chí rực rỡ nhất của mình và lan tỏa sức mạnh báo chí đến đời sống xã hội.

Với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập vào tháng 7/2017, cứ mỗi Hội báo diễn ra, là một dịp hào hứng tham gia với những trưng bày chuyên đề riêng, ngày càng tự tin hơn với những nội dung, tư liệu, hiện vật được các nhà khoa học và công chúng ghi nhận ở sự “độc đáo và nổi bật” (bởi lẽ chúng tôi chỉ “kể chuyện báo xưa”, còn các gian trưng bày khác thì “kể chuyện báo nay”). Một số sự kiện đã giúp tên của Bảo tàng Báo chí Việt Nam được chú ý hơn không chỉ trong khuôn khổ các Hội báo, mà còn thuyết phục được công chúng quan tâm hơn và dành thời gian đến tham quan Bảo tàng, như Gặp gỡ “Những nhà báo tuổi 90” năm 2017 (là những nhà báo nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí từ thập kỷ 40 - 50 của thế kỷ trước, Trưng bày “70 năm Trường dạy làm báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng” (1949 - 2019), Trưng bày “100 năm Báo Le Paria” (1922 - 2022) là tờ báo đầu tiên do Bác Hồ sáng lập và tham gia điều hành tại Paris.

Thế nên mới bị chinh phục bởi những giai phẩm báo Tết và thấm thía câu chuyện của người làm báo Tết suốt cả trăm năm qua mà Hội báo Toàn quốc 2023 sẽ có sự tham gia của Trưng bày “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2020” với tập hợp gồm 200 hình ảnh báo Xuân tiêu biểu, như một món quà của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thắm thiết tri ân đồng nghiệp và công chúng dự Hội…

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam