Điện Biên: Quan tâm đảm bảo an ninh nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:24, 15/03/2023
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9 hệ thống cấp nước sạch, an toàn, gồm: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Điện Biên Đông với tổng công xuất thiết kế là 31.100m3/ngày đêm.
Hiện nay, ước tính nhu cầu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 225,27tr.m3/năm. Khu vực khai thác nhiều nước tập trung ở vùng lòng chảo Điện Biên gồm thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó huyện Điện Biên có diện tích trồng lúa nước lớn nhát trong tỉnh nên có lượng nước sử dụng của huyện đạt 77,49tr.m3/năm chiếm 34,4% tổng lượng nước khai thác. Sử dụng nước trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp khai thác khoảng 204.45 trm3/năm (chiếm 90,0% tổng nước được sử dụng). Lượng nước dùng trong nuôi trồng thủy sản 9.5%, chăn nuôi 3.5% và lượng nước dùng cho tưới chiếm 177,97 tr.m3/năm (chiếm 87,0% tổng lượng nước dung trong ngành nông nghiệp)
Cùng với đó, nước dùng cho sinh hoạt dịch vụ và du lịch, khu dân cư sử dụng khoảng 19,18trm3/năm. Lượng nước cấp của các nhà máy trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19,180m3/ngày đêm, khoảng 67,6% tổng công suất thiết kế của các nhà máy, mới chỉ cấp nước cho TP Điện Biên Phủ và một số thị trấn, thị xã huyện. Còn hầu hết người dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nguồn nước sinh hoạt với các hình thức công trình cấp nước đơn giản, chủ yếu là hệ thống tự chảy, mó nước, máng lần hoặc trực tiếp từ sông, suối…và đều không được xử lý.
Bà Trần Thị Thanh Phượng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện hiện tượng suy giảm nguồn nước mặt, nước ngầm tại một số xã vùng cao thuộc các huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ…dẫn tới tình trạng thiếu nước, khan hiến nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Cùng với, tác động của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài gây sạt lở ven sông suối, sạt lở đất núi làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trên các sông suối. Tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, dân số, đô thị khiến nhu cầu về nước sạch ngày càng tăng, tình trạng sử dụng lãng phí... cùng với việc xả thải không đúng quy định, người dân chưa có ý thức trong bảo vệ nguồn nước, đổ rác tại đầu nguồn lưu vực, việc ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khả năng cung cấp nước của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Theo bà Phượng: Để bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước, hạn chế việc suy thoái cạn kiệt nguồn nước mặt nước ngầm,UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định số 1316/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh (nguồn nước mặt), danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp. Ban hành văn bản số 1255/UBND-KTN về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở TN&MT đã thực hiện công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ và ban hành công văn đôn đốc các huyện lập kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Định kỳ hàng năm, Sở tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh nguồn nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của nguồn nước sạch.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; công tác quản lý sau cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định theo nội dung giấy phép đã được cấp, đặc biệt là việc: khai thác, xả nước thải vượt quy định, công suất được cấp phép; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn theo quy định vào nguồn tiếp nhận; không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; không thực hiện các quy định về giám sát trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống - xã hội. Qua đây, các sở ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố... các tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng nước xả thải vào nguồn nước đều có nghĩa vụ tham gia phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước để đảm bảo an toàn nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh.