Quảng Ninh: Đổi thay trên vùng đất nghèo

Xã hội - Ngày đăng : 17:17, 06/02/2015

(TN&MT) - Những ngôi nhà mới xây nằm nép mình dưới những tán rừng cây lấy gỗ; những cánh đồng phì nhiêu, nhiều loại hoa màu đang sinh trưởng tốt báo hiệu một mùa bội thu của bà con đồng bào ngày cuối năm.

Ngày mới Ngàn Phe

Hơn 7 giờ sáng một ngày cuối năm, theo chân đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng (BP) cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi đến bản Ngàn Phe (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Từ trên dãy núi cao nhìn xuống Ngàn Phe, đồng chí cán bộ BP khoe “Bây giờ đời sống của bà con thôn này đã đổi khác lắm rồi. Toàn bản có trên 60 hộ thì chỉ còn có vài hộ nghèo và cận nghèo. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi và một số máy móc phục vụ sản xuất”.

23.jpg

Trò chuyện với chúng tôi, ông Voòng Chi Sòi, nhà ngay đầu bản cho biết: “Mấy năm nay, nhờ được tỉnh, huyện và xã quan tâm, con đường bê tông dài gần chục cây số đã được làm vào tận nơi. Trường học, nhà văn hóa bản được xây dựng mới, bà con ai cũng phấn khởi và bảo nhau phải cố đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế cho tốt để không phụ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với mình”.

Nhờ đường sá đi lại thuận lợi, ông Sòi đã chuyển chăn nuôi từ hình thức tự cung, tự cấp sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Vì vậy, mỗi năm cũng có thu nhập từ gà, lợn gần chục triệu đồng. Đời sống từ đó cứ thế mà đổi khác, ông bảo: “Ngàn Phe chỉ có 60 hộ nên nhà nào cũng biết nhau. Đến nay cả bản chỉ còn 5 hộ nghèo và cận nghèo. Nghèo cũng là do thiếu lao động, do gia đình có người ốm đau thôi chứ không phải lười đâu. Người Dao ở Ngàn Phe đã nỗ lực hơn, quyết tâm hơn để đuổi cái đói, cái nghèo. Xây dựng cuộc sống ấm no rồi...”.

Rộn ràng Phình Hồ

13 giờ chiều, chúng tôi chia tay Ngàn Phe để hành trình theo vành đai biên giới qua các bản Phai Lầu, Phật Chỉ xã Đồng Văn (Bình Liêu), bản Pò Hèn, bản Mốc 12 xã Quảng Đức (huyện Hải Hà)...

22.jpg

Mô hình trồng mía - hướng làm giàu bền vững của bản Phình H

Ở mỗi bản đi qua, chúng tôi đều cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Anh Tỏng Giòng Quý, nguyên Trưởng bản Phình Hồ kể: Hơn chục năm trước, thực hiện chương trình di dân ra biên giới, anh và vài chục hộ khác tình nguyện lên Phình Hồ khai hoang, phục hóa đất để thành lập ban. Ban đâu, đời sống khó khăn vô kể. Từ năm 2013, bản thực hiện mô hình điểm về trồng tỏi xuất khẩu và trồng mía tím được triển khai với hơn chục ha trồng 2 loại cây này. Nếu trừ chi phí thì mỗi sào mía cũng cho thu nhập trên chục triệu đồng/vụ. Do biết làm ăn kinh tế, đến nay, 100% hộ trong bản đều có ti vi, xe máy, được ở trong nhà kiên cố.

Tạm biệt Phình Hồ khi trời đã về chiều, trên đường trở về, chúng tôi gặp một số xe tải vào bản để mua mía, trao đổi lương thực, thực phẩm chạy hối hả. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi tin rằng, rồi đây cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự năng động, cần cù của bà con, chắc chắn Phình Hồ sẽ là địa chỉ mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh nơi vành đai biên giới.

Bài và ảnh: Q.Minh