Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất: Đề nghị xử lý các tồn tại, vướng mắc trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đất đai (sửa đổi)
Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 13:20, 15/03/2023
Báo cáo phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng nay 15/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban TCNS đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, ý kiến các vị ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Luật, bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật.
Về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (điểm a khoản 3 Điều 2, Điều 48) có một số ĐBQH cho rằng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất còn nhiều vướng mắc trong thực tế. Đề nghị đề nghị xử lý các tồn tại vướng mắc này một cách tổng thể trong luật Đấu thầu, luật Đầu tư và luật Đất đai.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất với quy định tại dự thảo luật vì theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật, dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đó, Luật Đất đai quy định về trường hợp, điều kiện xác định khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án có sử dụng đất; Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã được quy định thống nhất, trong đó Luật Đấu thầu không quy định cụ thể các trường hợp, điều kiện đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất mà chỉ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chức năng của Luật này là luật quy trình. Những vấn đề liên quan đến Luật đất đai, Chính phủ và cơ quan thẩm tra sẽ có ý kiến tiếp thu giải trình ý kiến của ĐBQH.
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, đây là một lĩnh vực có nhiều vướng mắc, tồn tại kéo dài trong nhiều năm, gây khó cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện. Các nội dung sửa đổi trong Dự thảo hiện nay vẫn không bảo đảm giải quyết được ách tắc trên thực tế. Nội dung này liên quan trực tiếp đến Luật Đất đai và luật đầu tư, cụ thể, văn bản pháp luật về đất đai quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với “đất sạch” (đã được giải phóng mặt bằng); đối với “đất chưa sạch” nếu có dự án đầu tư thì sẽ phải thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thực chất của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất chưa được giải phóng mặt bằng “đất chưa sạch” chính là lựa chọn nhà đầu tư thực hiện công việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, chứ không phải lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh trên phần diện tích đất đã “làm sạch”. Nói cách khác, cái gọi là “đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư” trong trường hợp này chính là “đấu giá quyền sử dụng đất có điều kiện”, với điều kiện ở đây là người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất “chưa sạch” phải có thêm năng lực thực hiện cả khâu đền bù giải phóng mặt bằng bên cạnh khả năng tổ chức kinh doanh trên phần diện tích sau khi đã được làm sạch – như nhà thầu trúng đấu giá “đất sạch”.
Vì vậy, đề nghị xử lý các tồn tại vướng mắc này một cách tổng thể trong luật Đấu thầu, luật Đầu tư và luật Đất đai (trong đó luật gốc là luật Đất đai và đang trong quá trình sửa đổi), theo đó đề nghị: Đối với Dự thảo Luật đấu thầu, đề nghị bỏ các nội dung tương ứng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2, Điều 48 và các điều khoản liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;
Đối với Luật Đất đai: Sửa theo hướng mở rộng phạm vi đấu giá quyền sử dụng đất “có điều kiện” để áp dụng cả đối với các trường hợp là đất chưa được làm sạch, với yêu cầu đặt ra với các nhà thầu phải có thêm năng lực thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tương tự, Luật Đầu tư sẽ cần được sửa đổi tương ứng ở các điều khoản liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Các nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư sẽ cần được quy định rõ trong Luật Đất đai sửa đổi (khi được ban hành).
Về mua thuốc, vật tư y tế, đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây, theo Thường trực Ủy ban TCNS, Dự thảo luật cũng đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Trong đó, tại Điều 23 về Chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”; Điều 28 về Hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”; Chương V (từ điều 55 đến điều 58) quy định về “mua sắm tập trung, mua thuốc”…
Các quy định về mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, một số quy định mới còn ý kiến khác nhau, cụ thể như: có ý kiến cho rằng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 về gói thầu “phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay” có thể dẫn đến lạm dụng chỉ định thầu; Điều 57 còn có ý kiến khác nhau về việc quy định Danh sách nhà thầu (tại khoản 1); Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 57 để áp dụng cho các trường hợp mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay.
Về chỉ định thầu (Điều 23), theo Thường trực Ủy ban TCNS, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, không tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tiêu cực. Do vậy, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.
Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ các trường hợp được chỉ định thầu như phương án Chính phủ trình.
Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến ĐBQH, phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư” tại điểm g khoản 1, “Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 của điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý và để bảo đảm tính linh hoạt, bổ sung tại điểm này quy định “Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.