Tăng cường hỗ trợ phát triển vùng dân tộc và miền núi
Văn hóa - Ngày đăng : 15:42, 16/01/2015
Theo ông Lê Đại Hán (Vụ Các vấn đề chung về pháp luật, Bộ Tư pháp), hiện nước ta có 130 chính sách cụ thể hóa cho 177 văn bản các loại, 37 Nghị định và nghị quyết của Chính phủ, 140 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, UBDT quản lý 9 chính sách, các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm sao các chính sách được ban hành không trùng lặp, "giẫm chân" lẫn nhau và đối tượng thụ hưởng chính sách, từ đó tránh lãng phí nguồn lực. Để làm được việc này, cần rà soát lại toàn bộ các văn bản, những chính sách đã ban hành về công tác dân tộc để đánh giá, tổng hợp cụ thể xem chính sách nào phát huy được hiệu quả, chính sách nào còn hạn chế, tránh tình trạng đề án thì rất lớn, nhưng khi thực hiện lại không hiệu quả.
Vì vậy, Đề án cần xây dựng cơ chế điều phối và giám sát sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong việc hoạch định chính sách, xây dựng, phân bổ ngân sách và hướng dẫn thực hiện chính sách dân tộc. Thêm vào đó, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ giám sát, thực thi chính sách. Cần có các chế tài cụ thể để đảm bảo đề án được thực thi hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn lực.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Văn phòng Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy hệ thống chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện, nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế, tản mạn nhiều đầu mối văn bản, nhiều đầu mối quản lý, gây khó khăn cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả.
Chính vì vậy, Đề án cần được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách hiện hành, nâng cao định mức sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với tình hình mới, theo hướng xây dựng một chính sách tổng thể chung đa ngành, đa mục tiêu tập trung đầu tư, tập trung tại một đầu mối quản lý để tập trung nguồn lực...
Theo ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Đề án một mặt tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, bức xúc nhất của đồng bào các dân tộc và vùng núi; mặt khác, tạo đà cho kinh tế-xã hội phát triển, khuyến khích người dân tham gia sản xuất hàng hóa tiến tới giảm nghèo bền vừng, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Đề án có mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi từ 3,5 - 4% năm; giải quyết việc làm và đất sản xuất cho 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; giải quyết tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; bố trí sắp xếp dân cư nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ còn du canh du cư, di cư tự do. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn với nguồn tín dụng ưu đãi; góp phần bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống cho vùng dân tộc và miền núi...