Xóa đói, giảm nghèo ở miền núi: Nhân lên những mô hình sinh kế bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 15:41, 23/10/2015
Thu hẹp khoảng cách chênh lệch
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có
nhiều chính sách đầu tư lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững; Quyêt định 167 và các chính sách hỗ trợ khác... dành cho 62 huyện nghèo cả nước nói chung và 11 huyện miền núi ở tỉnh ta nói riêng. Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo đã có những tác động tích cực đến đời sống, kinh tế của các hộ nghèo.
Theo đó, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, đời sống người nghèo từng bước được cải thiện...
Đến nay, tại các địa phương ở 11 huyện miền núi trong tỉnh, 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao lưu hàng hóa; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt
100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 80%; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, phủ sóng truyền hình đạt trên 98%; phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đạt 100%; Tỷ lệ phòng học được
kiên cố đạt 82%.
Phát triển mô hình sinh kế bền vững
Hiệu quả của các mô hình, sinh kế hỗ trợ cải thiện đời sống cho người dân ở miền núi mang lại trong công cuộc giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là không thể phủ nhận.
Đơn cử như: mô hình trồng dưa hấu, nuôi lợn cỏ ở huyện Như Xuân; trồng chuối tiêu hồng, khoai mán ở huyện Quan Sơn; trồng rau sạch ở huyện Quan Hóa; trồng keo ở huyện Như Thanh; mô hình nuôi vịt Cổ Lũng, mô hình lúa - cá ở Ban Công, trồng mướp đắng, su su, bí đồ ở Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa)... từ đó, giúp bà con có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Để miền núi giảm nghèo nhanh và bền vững, tất yếu phải đầu tư và đầu tư lớn. Nhưng trong cơ cấu đầu tư phải nghiên cứu kỹ,
tuân thủ các quy luật và không được nóng vội. Phải lấy cây trồng, vật nuôi đã quen đất, quen người, quen tập quán sản xuất, chăn nuôi của bà con để đầu tư có hiệu quả, đạt được mục đích. Điều không thể thiếu là chủ đầu tư và chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về tính hiệu quả, mục đích thoát nghèo cho
bà con các dân tộc miền núi. Tránh tình trạng chạy dự án, chạy công trình để hưởng “hoa hồng” làm giàu cho một số người, còn hiệu quả hay thất bại thì Nhà nước và nhân dân chịu...