Mở rộng thương mại xanh với châu Âu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:33, 14/03/2023
Các doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đầu tư nguồn tài chính cho các lĩnh vực thúc đẩy tính bền vững của nền kinh tế.
Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại
Qua 2 năm triển khai, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã phát huy hiệu quả rõ nét thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của hai nước thâm nhập thị trường của nhau. Hết năm 2022, trao đổi thương mại song phương đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9% so với năm 2021.
Theo Sách Trắng năm 2023 với chủ đề "Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA", phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng, một trong những đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI là Việt Nam phải lồng ghép trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào các hoạt động kinh doanh của họ. Bởi theo EVFTA, Việt Nam cần nỗ lực khuyến khích và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực môi trường, lao động và đưa các tiêu chuẩn tối thiểu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào pháp luật trong nước, cũng như thực thi hiệu quả các yêu cầu này.
Ông Jean - Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCham cho biết: EU là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU, cần thay đổi, đặc biệt chú ý hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
Không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh, các nhà sản xuất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp như giày dép và hàng may mặc có thể tham gia chương trình chứng nhận tự nguyện như BCI (Sáng kiến Bông tốt hơn) hay GOTS (Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu) và PETA (Chứng nhận Bảo vệ Động vật).
Những chương trình chứng nhận trên rất được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu EU quan tâm. Sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao. Vì thế, các nhà sản xuất và điều hành thương mại của Việt Nam nên quan tâm đến định hướng lựa chọn của người tiêu dùng EU.
Tương tự EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng có những khuôn khổ cho thương mại xanh giữa hai bên. Ông Harry Rawicz Szczerbo - Trưởng bộ phận Thương mại và Đầu tư, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết, Vương quốc Anh hợp tác với các đối tác trên toàn thế giới để phá vỡ các rào cản thương mại về hàng hóa và dịch vụ có lợi cho môi trường, đảm bảo thương mại tự do giúp tăng tốc việc áp dụng các công nghệ xanh trên toàn thế giới. Nhờ vậy, thương mại tự do trở thành một công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị xanh, bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Xanh hóa từ chính sách đến hành động
Theo ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Cần lưu ý, quá trình để đạt mục tiêu về trung hòa các bon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ vấn đề này để điều chỉnh chiến lược, hoạt động kinh doanh của mình - ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Hoan nghênh những bước tiến trong việc thực hiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông Tomaso Andreatta - Chủ tịch Tiểu ban Lĩnh vực Tăng trưởng Xanh của EuroCham cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Các quy định pháp luật về EPR đang đặt nền móng vững chắc cho một ngành công nghiệp tái chế bền vững tại Việt Nam.
EuroCham đặc biệt khuyến nghị chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi nghiêm ngặt các quy định về quản lý chất thải cũng như hoàn thiện các chính sách và cơ chế để hạn chế sử dụng các chất phụ gia phân hủy oxo đang làm suy yếu hệ thống thu gom chất thải; nghiên cứu sản xuất nhựa phân hủy hoàn toàn có thể được chứng nhận theo tiêu chuẩn của EU và Hoa Kỳ.
Để tạo môi trường cho các “doanh nghiệp xanh” phát triển, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư vào hiệu quả năng lượng để giảm tổng mức tăng trưởng tiêu thụ, đồng thời, tối đa hóa sự đóng góp của năng lượng mặt trời, sinh khối, thủy điện nhỏ, gió và điện gió ngoài khơi trong hệ thống năng lượng. Điện gió ngoài khơi nên được coi là nguồn có công suất điện có chi phí thấp nhất và ít rủi ro nhất vào năm 2045. Tới đây, khi Quy hoạch điện 8 chính thức được ban hành, EuroCham cùng kỳ vọng việc quá trình loại bỏ dần các nhà máy chạy bằng than sẽ tăng tốc, bằng việc sớm đưa khí tự nhiên làm nhiên liệu chuyển tiếp để tạm thời thay thế than. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Thông qua Tuyên bố này, Nhóm các đối tác quốc tế, trong đó có nhiều nước EU và Vương quốc Anh sẽ cùng huy động 15,5 tỷ USD để đưa ra nhiều hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, qua đó đẩy nhanh qua trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Cơ hội song hành với áp lực nặng nề, nhưng nếu tận dụng tốt, việc triển khai tuyên bố sẽ tạo bước ngoặt cho Việt Nam trong cả phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.