Đừng bắt người tiêu dùng phải… thông minh
Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 14/03/2023
Trong đó nguyên nhân lớn được cho gây ra từ nhu cầu tiêu thụ của con người, đặt ra sự bắt buộc chuyển dịch phương thức tiêu dùng để làm chậm lại mối nguy. Tuy nhiên, sự vận hành không thể đến từ một phía, bởi tiêu dùng - sản xuất, sản xuất - tiêu dùng có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Có cầu ắt có cung, nhưng đôi khi cung chưa hẳn đáp ứng cầu. Trong sự lẫn lộn vàng thau các giá trị xanh, bắt buộc người tiêu dùng phải là một người tiêu dùng thông minh để lựa chọn sản phẩm xanh thực sự.
Tiêu dùng xanh, hiểu nôm na là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Còn sản phẩm xanh là các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ, hoặc thành phần ít gây hại môi trường và sức khỏe con người. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể bao gồm các yếu tố như quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại, hoặc những sản phẩm đó giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng…
Trong một khảo sát, 80% trong số người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết sạch và xanh, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Con số này tập trung đông ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Trước nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xanh trong khi nguồn cung, nhất là ngành hàng thực phẩm có sự bấp bênh, thay bằng thúc đẩy sản xuất và phát triển thương hiệu bằng các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và bền vững thì một số cơ sở sản xuất, kinh doanh lại… đội mũ xanh cho hàng nhái. Người tiêu dùng mới đây được một phen ngã ngửa trước sản phẩm thịt bò và rau sạch không phải từ cơ sở sản xuất sạch.
Hiện nay, bước chân vào siêu thị, nhãn hữu cơ trong nước, nhãn hữu cơ nhập khẩu nhan nhản, tràn lan, ít có tiêu chí rạch ròi cho sự phân biệt, cạnh tranh. Có cảm giác người tiêu dùng đang bước chân vào chợ hơn là vào một siêu thị xanh.
Đối với các thiết bị điện, hiện tại có tiêu chí để khách hàng chọn lựa - so sánh giá. Khá nhiều khách hàng quan tâm tới công nghệ tiết kiệm điện của một số thiết bị. Thế nhưng, vẫn len lỏi trong số đó những sản phẩm chỉ thực sự “xanh trên quảng cáo”.
Trong sự nhập nhằng ấy, để lựa chọn tiêu dùng xanh đã là một khó khăn trong điều kiện kinh tế chi phối giá thành sản phẩm xanh, còn một vấn đề đặt ra, đó là, khi người tiêu dùng có đủ tiềm năng kinh tế để quyết định lựa chọn tiêu dùng xanh thì nguồn cung lại chưa hoàn toàn đáp ứng một cách đường hoàng và đầy đủ, khiến đôi khi, dù có tiền nhưng người tiêu dùng vẫn phải đứng trước sự đắn đo liệu đồng tiền mình bỏ ra có thực sự giá trị và phục vụ cho mục tiêu xanh. Rõ ràng, sự băn khoăn này bắt buộc người tiêu dùng phải thông minh mới tránh được đầu tư lãng phí.
Đúng là, để tiêu dùng bền vững không quá khó. Cái khó nhất là xác định đâu là cánh cửa đúng đắn trên con đường lựa chọn sản phẩm xanh.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có những quy định riêng biệt hay công cụ điều chỉnh đủ mạnh để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, sản xuất. Chúng ta cũng chưa có tiềm lực toàn diện để khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh. Những mô hình doanh nghiệp xanh cũng chưa hoàn toàn bao phủ và việc hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm này vẫn là một bài toán khó. Vì thế, người mua vẫn phải đắn đo chứ không hoàn toàn vô tư đặt niềm tin.
Lời khuyên tốt nhất lúc này là chính các cơ sở sản xuất phải minh bạch thông tin, minh bạch nguồn gốc, minh bạch giá cả và công khai khả năng xử lý môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, pháp luật phải kiểm soát, giám sát độ trung thực, có chế tài xử phạt nghiêm. Có như vậy, người tiêu dùng mới thực sự an tâm và thoải mái trước đồng tiền mình bỏ ra. Còn nếu vẫn dùng dằng bắt buộc người tiêu dùng phải thông minh và các nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên cam kết bằng quảng cáo thì e rằng, công cuộc tiêu dùng xanh chưa biết bao giờ tới đích.