Cần hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí đồng bộ theo chuỗi

Kinh tế - Ngày đăng : 22:09, 13/03/2023

(TN&MT) - Luật Dầu khí 2022 bổ sung quy định về triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ bao gồm các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển. Tuy nhiên, hiện nay quá trình triển khai dự án vẫn phải thực hiện quá nhiều thủ tục khác nhau cho từng phần của dự án theo quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác. Do vậy, Nghị định hướng dẫn Luật Dầu khí 2022 cần hoàn thiện các quy định cụ thể về việc triển khai dự án theo chuỗi đồng bộ.

Theo Luật Dầu khí 2022, trong quá trình lập kế hoạch phát triển mỏ đại cương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cần trình Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ.

Hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo của nước ta (Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng, Lan Tây...) đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác. Còn các mỏ/vỉa mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ. Nhiều mỏ lớn như Cá Voi Xanh lại có cấu tạo đa tầng, nhiều mỏ nhỏ đan xen.

Trong khi đó, tiến độ đưa các mỏ mới đi vào khai thác, chủ yếu là các mỏ khí, đang bị chậm lại do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, do thiếu vốn, thiếu cơ chế, vướng mắc các thủ tục đầu tư, bị điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật dẫn tới quá trình chuẩn bị đầu tư dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn thẩm định...

003.jpg

Hiện các mỏ khí tiềm năng có khá nhiều, song phân bố không đều, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất và kỹ thuật phức tạp, muốn khai thác được phải tiêu tốn không ít chi phí để phát triển và vận hành mỏ, chưa kể đến tiến độ phát triển mỏ khí khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Thực tế cho thấy, chỉ riêng việc triển khai phần dự án này đã đòi hỏi tính đồng bộ trong cả chuỗi, từ hoạt động khai thác, vận chuyển cho đến sử dụng khí. Đó là chưa kể dù chúng ta đã làm chủ công nghệ xây dựng giàn khoan khai thác trên biển, công nghệ tự động khai thác, kết nối các mỏ nhỏ nhưng để thực hiện được đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian dài.

Hơn thế nữa, trong thời gian triển khai các dự án dầu khí, điện, đạm, chỉ cần thay đổi một quy định về an toàn, môi trường hay tiêu chuẩn kỹ thuật cũng đã buộc chủ đầu tư phải đầu tư nâng cấp hàng trăm tỉ đồng dẫn tới thay đổi tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian dự án nhiều năm khiến các dự án bị giảm hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, nhiều dự án dầu khí, chế biến khí bắt buộc phải sử dụng công nghệ bản quyền từ các tổ chức nước ngoài theo đúng thiết kế kỹ thuật từ nguồn nguyên liệu đầu vào (dầu thô, khí tự nhiên) và cơ cấu sản phẩm đầu ra (xăng, dầu, phân đạm…). Do đó, khi triển khai đầu tư dự án dầu khí phải tuân thủ theo các thông lệ quốc tế.

Trường hợp dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ có liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, đất đai thì cần có Quốc hội quyết định chủ trương hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương (theo thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước) trước khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt.

12.png

Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung quy định về loại hình dự án dầu khí triển khai theo chuỗi đồng bộ từ thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn. Song, theo ý kiến từ các chuyên gia, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí cần tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án liên kết theo chuỗi đồng bộ.

Bởi hiện nay, quá trình triển khai dự án vẫn phải thực hiện quá nhiều thủ tục khác nhau cho từng phần của dự án theo quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác (Luật Xây dựng, Luật Đất đai...). Quy định nguyên tắc áp dụng Luật như nêu trên sẽ dẫn tới việc các dự án theo chuỗi liên kết vẫn phải tách các thành phần dự án và triển khai theo quy định pháp luật tương ứng, không phát huy được mặt tích cực, hợp lý, đồng bộ của các dự án theo chuỗi liên kết.

Do vậy, cần hoàn thiện các quy định cụ thể về việc triển khai dự án theo chuỗi đồng bộ vào Nghị định hướng dẫn Luật Dầu khí 2022 nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chuỗi dự án liên kết với mục tiêu tối ưu hiệu quả đầu tư của dự án.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định sửa đổi Luật Dầu khí là phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư; đồng thời mong muốn những vướng mắc còn tồn tại sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

PV