Yên Bái: Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc
Văn hóa - Ngày đăng : 11:12, 09/01/2015
Khó ai có thể tin được từ một tỉnh mỗi năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực, nhất là các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc nhưng hôm nay Yên Bái không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà nhiều vùng trong tỉnh còn sản xuất theo huớng hàng hóa và thị trường. Để có được những kết quả đó, trước hết, có nhờ sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trong tỉnh tích cực sản xuất; chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình.
Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi người dân vùng cao phải nói đến các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp như: Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Song song với đó, Yên Bái còn có chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chính sách bảo vệ và phát triển rừng...
Chỉ tính trong 5 năm qua (2009 - 2014), tổng nguồn vốn các chính sách đầu tư cho vùng cao đã đạt gần 5 nghìn tỷ đồng. Đối với lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp (cây con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất) riêng tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 140 tỷ đồng, tổ chức thực hiện hơn 1 nghìn mô hình, dự án thuộc chương trình khuyến nông, khuyến ngư... Qua đó, đã mang lại nhiều thành công trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng cao.
Thông qua chính sách giao khoán chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng, 82.867ha rừng tại huyện Mù Cang Chải đã đuợc chăm sóc và bảo vệ. Mù Cang Chải còn khai hoang phục hóa được 28ha ruộng lúa nước, hỗ trợ vật nuôi cho trên 24 ngàn luợt
hộ nông dân. Huyện Trạm Tấu cũng đã khai hoang được 103ha ruộng, hỗ trợ người dân 928 con trâu, làm mới 1.923 chuồng trại gia súc, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 1 nghìn lượt hộ.
Trong năm 2014 này, Trạm Tấu chuyển đổi từ lúa nương sang trồng ngô được 930ha, đưa tổng diện tích ngô toàn huyện lên 4.380ha/năm, sản luợng đạt trên 8 ngàn tấn. Thu nhập từ ngô đem về cho người dân nơi đây khoảng 26 tỷ đồng. Ngô xuân hè, ngô hè thu, ngô chuyển đổi bạt ngàn chạy tít tắp khắp các bản làng vùng cao.
Tuy vùng cao vẫn còn có những khó khăn nhất định nhưng thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, chắc chắn vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ ngày càng đổi thay.