Đẩy nhanh cấp “sổ đỏ” cho bà con dân tộc: Trao giá trị đất để phát triển kinh tế ở Thới Lai (Cần Thơ)
Đất đai - Ngày đăng : 12:47, 13/03/2023
Đảm bảo quyền lợi
Thới Lai là một huyện vùng ven của TP. Cần Thơ có diện tích tự nhiên hơn 25.566 ha gồm 13 xã, thị trấn với 29.540 hộ, trong đó đồng bào DTTS có 1.148 hộ, chiếm tỷ lệ 4,43% tổng dân số toàn huyện. Thời gian qua, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, Thới Lai triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỉ lệ cấp “sổ đỏ” cho hộ gia đình, cá nhân.
Ông Huỳnh Quốc Kỳ, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thới Lai cho biết: Tính lũy kế đến đầu năm 2023, huyện Thới Lai đã cấp “sổ đỏ” lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 23.770,83 ha/23.771,93ha đất cần phải cấp. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị chức năng huyện Thới Lai đang tập trung rà soát, giải quyết tranh chấp, … để sớm hoàn thành việc cấp “sổ đỏ” lần đầu đối với diện tích còn lại hơn 1,1 ha cần phải cấp cho hộ gia đình, cá nhân.
Là một trong những người mới được cấp “sổ đỏ”, ông Lâm Sol (ấp Ðịnh Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai) cho biết: Do cuộc sống gia đình, chúng tôi thường đi đến các địa phương khác làm ăn nên chưa thực hiện nghĩa vụ kê khai đăng ký hơn 2 công đất theo quy định. Tôi đã đến UBND xã Định Môn hỏi các thủ thủ tục xin cấp “sổ đỏ” và được cán bộ địa chính của địa phương hướng dẫn tận tình. “Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng vừa cấp “sổ đỏ cho gia đình tôi với diện tích, số thửa, loại đất… rất rõ ràng. Có “sổ đỏ” rồi từ nay, tôi sẽ yên tâm làm ăn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình”- ông Lâm Sol phấn khởi nói.
Cùng với việc tập trung cấp “sổ đỏ” lần đầu đối với diện tích đất còn lại 1,1 ha, các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện Thới Lai cũng đang tăng cường triển khai các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; đăng ký biến động đất đai vừa nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, vừa đảm bảo các quyền cho người sử dụng đất.
Ông Mai Dô (xã Định Môn, huyện Thới Lai) vừa đến bộ phận một cửa của UBND Thới Lai để nhận “sổ đỏ” với diện tích hơn 400m2 do hưởng thừa kế từ gia đình. Sau khi nhận “sổ đỏ”, ông Mai Dô dự định sẽ đầu tư lên líp phần đất hơn 400m2 để trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá để cải thiện thu nhập của gia đình ông.
Hướng đến giảm nghèo
Bên cạnh đẩy mạnh cấp “sổ đỏ”, huyện Thới Lai cũng luôn quan tâm chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Theo báo cáo của ngành chức năng huyện Thới Lai, năm 2022 toàn huyện có 154 hộ nghèo và 1.541 hộ cận nghèo. Thời gian qua, để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Thới Lai đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế cải thiện thu nhập cho người dân; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt; cho người dân vay vốn phát triển sản xuất.
Theo Phòng Dân tộc huyện Thới Lai, trong thời gian qua, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã tiếp cận kịp thời với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, đã hỗ trợ cho 525 hộ DTTS vay vốn, với tổng dư nợ 10,8 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Ông Liêu Tuấn Khương, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Thới Lai cho biết: Từ việc thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên đã giúp nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, góp phần tăng tỉ lệ hộ khá giàu, giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.
Huyện Thới Lai cũng đã triển khai chính sách nhà ở trong đồng bào DTTS. Trong năm 2022, huyện Thới Lai đã xây dựng và sửa chữa 15 căn nhà với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng cho hộ đồng bào DTTS. Hiện nay, huyện Thới Lai đang tiếp tục vận dụng các chương trình, dự án; đồng thời, vận động các cơ quan, tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để tiếp tục xây dựng nhà ở cho một số hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, giúp họ ổn định cuộc sống.
Hiện tại, huyện Thới Lai đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân , hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.