Triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”: Nhiều khó khăn

Xã hội - Ngày đăng : 12:44, 02/01/2015

(TN&MT) - Mặc dù đã hơn 1 năm thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của Thủ tướng Chính phủ nhưng việc thu hút và sử dụng nguồn vốn này còn gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo thống kê, hiện cả nước  có gần 500 tổ chức đang hoạt động, với số lượng không ngừng tăng lên. Giai đoạn 2009 - 2013, mỗi năm có khoảng 300 triệu USD giá trị viện trợ, song tổng giá trị viện trợ vào dân tộc miền núi chỉ chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, theo Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Dân tộc), việc thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” còn chậm khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án. Đặc biệt, việc bố trí kinh phí để thực hiện đề án còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung.

doc1.jpg

Đơn cử, tại Lào Cai, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, mặc dù mang lại hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo, song quá trình triển khai vẫn vấp phải không ít khó khăn, hạn chế. Sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ các tổ chức trong và ngoài nước đối với các mô hình du lịch cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc đào tạo, tập huấn, trong khi để hoạt động này mang lại hiệu quả thì cần có những dự án đầu tư tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng. Hiện hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ nên chưa hấp dẫn.

Một nguyên nhân khác mà một số địa phương cũng thừa nhận là, trong khi công tác quản lý sử dụng nguồn vốn ODA và vốn nước ngoài còn bất cập thì hệ thống Văn bản pháp quy chưa đồng bộ. Nguyên nhân là do năng lực cán bộ quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn nước ngoài ở cấp cơ sở, nhất là cấp huyện, xã chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Các công trình được đầu tư còn nhỏ, lẻ và manh mún.

z4177587496720_f694953c0908a7ff6f7a4f87e6d9e3a1.jpg

Việc xây dựng các mô hình xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ sản xuất chưa xây dựng được mô hình nào có tính đột phá đem lại thu nhập cao, ổn định và bền vững.

Dẫn chứng tại Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2005 - 2014, tỉnh này nhận 70 triệu USD viện trợ để thực hiện 270 dự án. Song, năm 2014 bình quân giá trị viện trợ trên 1 người dân của tỉnh Thanh Hóa mới đạt 2,6 USD/người, mức thấp so với bình quân chung cả nước (hơn 3,6 USD/người), đã cho thấy việc thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các vùng miền núi còn hạn chế.

Để tháo gỡ việc triển khai Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương dành mọi nguồn lực cao nhất phục vụ cho công tác giảm nghèo, làm tốt công tác quy hoạch, lựa chọn và tập trung vào một số lĩnh vực bức thiết nhất như giáo dục đào tạo nguồn nhân lực đầu tư hạ tầng, môi trường, chăm sóc sức khoẻ và bảo tồn văn hóa...

Trường Giang