Quản lý tài nguyên nước ở Tiền Giang: Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:23, 13/03/2023

(TN&MT) - Tiền Giang đã và đang tăng cường công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước (TNN); đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu về nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Từng bước thích ứng

Trong những năm qua, tại các địa phương như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông, Chợ Gạo thường xuyên bị ảnh hưởng hạn mặn và thiên tai, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các huyện Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang, có vùng trồng cây ăn quả đặc sản giá trị xuất khẩu cao cũng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn gây nhiều thiệt hại.

Để khắc phục tình trạng trên một cách căn cơ, người dân các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã quan tâm chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng ứng phó thích hợp, khắc chế hiệu hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai và ổn định cuộc sống. Trong số đó, ông Phạm Văn Lẹ (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) được biết đến là một người đi tiên phong với mô hình chuyển đổi từ trồng lúa 01 vụ trên đất nhiễm mặn thu nhập bấp bênh sang nuôi thủy sản xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

a1.-la-tinh-ven-bien.jpg
Là tỉnh ven biển, Tiền Giang chú trọng công tác ứng phó với xâm nhập mặn vào mùa khô

Ông Lẹ chia sẻ: “Sau nhiều năm làm lúa thất bát, tôi suy nghĩ không thể theo tập quán sản xuất cũ, mà phải đổi mới tư duy kinh tế, hướng đến mô hình hiệu quả, thích ứng hạn mặn. Tôi đã quyết định chuyển đổi 3ha đất lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ. Hạch toán cho thấy, mỗi năm sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, tôi còn lãi hơn 2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần nếu so với trồng lúa bấp bênh như trước đây”.

Trong năm 2023, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi gần 4.900 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại khu vực phía Bắc - Quốc lộ 1 sang các mô hình sinh kế thích ứng biến đối khí hậu (BĐKH), nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, Tiền Giang sẽ chuyển đổi hơn 900ha đất sang trồng rau màu, hơn 3.700 ha đất sang trồng cây lâu năm, khoảng 130ha đất sang nuôi thủy sản...

Phục vụ giảm nghèo

Thời gian tới, để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay vốn và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế, tỉnh Tiền Giang còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán, giải quyết nhu cầu về nguồn TNN phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Trong đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận hưởng ứng chủ trương cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng; chuyển giao rộng rãi khoa học công nghệ tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa thông qua xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phù hợp đặc thù miền đất nhiễm mặn.

a2.-quan-tam-dau-tu.jpg
Quan tâm đầu tư công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân

Hiện nay, sắp bước vào đỉnh điểm mùa khô, dự báo tình hình hạn mặn sẽ gay gắt và mặn có thể xâm nhập sâu vào nội đồng thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang giao cho các địa phương xây dựng phương án chủ động ứng phó dựa theo từng tình huống cụ thể, bảo vệ vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi cũng như đời sống của người dân, kiên quyết không để tái diễn tình trạng như mùa khô năm 2019-2020.

Trước mắt, tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương; hoàn chỉnh và đưa vào vận hành dự án mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công; nâng cao công suất cấp nước của nhà máy nước Đồng Tâm, triển khai trạm bơm và hệ thống đường ống dẫn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước hiện hữu để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động về điều tra cơ bản TNN làm cơ sở cho công tác cấp phép TNN, đánh giá sự suy giảm mực nước ở các tầng chứa nước cũng như xác định đặc trưng chất lượng nước ở các tầng chứa nước theo thời gian, phục vụ công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn TNN trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng TNN phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

 Tháng 8/2022, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức triển khai thi công các cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cặp theo bờ bắc sông Tiền với tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Hiện, các đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, vật tư, nhân lực triển khai nhanh phương án thi công với mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2023 đảm bảo hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Bạch Thanh