Tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều góp ý
Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 23:41, 10/03/2023
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá, dù dự thảo có nhiều điểm mới và cũng đã khắc phục tồn tại của các địa phương nhưng các nội dung vẫn còn một số vấn đề chưa được xem xét, giải quyết.
Theo đó, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn một số nội dung vẫn còn bất cập như, tại Khoản 5, Điều 60 quy định: “...Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất”. Thực tế việc dự báo đưa vào phương án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 10 năm tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm được thể thiện đến từng thửa đất là chưa phù hợp, khó có khả thi để triển khai thực hiện. Ngoài quy hoạch sử dụng đất còn nhiều hệ thống quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng... nên sự thống nhất, đồng bộ vẫn chưa được giải quyết.
Tại Khoản 1, Điều 78, liên quan đến “dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh”, nội dung này chưa được làm rõ nên sẽ gây bất cập cho việc thu hồi đất sau này và dễ gây ra khiếu kiện khiếu nại... Đồng thời, cần bổ sung việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với: “Dự án xã hội hóa về lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế,…”.
Về quy định xử lý dự án chậm tiến độ sử dụng đất, thực tế vướng mắc xử lý các dự án chậm tiến độ tại địa phương do ảnh hưởng của các nguyên nhân bất khả kháng do “thiên tai, dịch bệnh”, do đó luật cần quy định rõ các trường hợp bất khả kháng và ngành, cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm xác định nguyên nhân.
Đối với các dự án với diện tích tương đối lớn trong đó có quỹ đất sạch của Nhà nước quản lý và đất do người dân đang sử dụng (đất chưa sạch) cần có quy định rõ ràng để có cơ sở thực hiện.
Do tính chất nhạy cảm của định giá đất đặc biệt các dự án nhà ở, các dự án khu du lịch thì việc xây dựng phương án giá đất cần nhiều thời gian đồng thời để đảm bảo việc sử dụng vốn ngân sách để thuê tư vấn giá đất (gây lãng phí ngân sách). Do đó, cần có quy định cụ thể vấn đề này hoặc đưa vào nội dung Chính phủ hướng dẫn sau này.
Để đảm bảo việc xác định giá đất cụ thể phù hợp giá thị trường, tránh thất thu ngân sách, đảm bảo nguồn thu ngân sách của địa phương, các đại biểu đề nghị bổ sung nội dung đối với việc xác định giá đất cụ thể đối với các khu đất hoặc thửa đất có giá trị lớn; các khu đất đưa ra đấu thầu có diện tích từ 20 ha thì cần phải được HĐND tỉnh thông qua giá đất cụ thể trước khi UBND cùng cấp phê duyệt.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, hiện nay pháp luật đất đai đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, chính sách pháp luật đất đai vẫn chưa theo kịp… Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, đồng thời khẳng định, Luật Đất đai là đạo luật trung tâm, giữ vài trò hết sức quan trọng. Các góp ý dự thảo Luật sẽ góp phần giải quyết các chồng chéo, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để góp ý các cấp, các ngành có liên quan trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đến nay, đã có 194 hội nghị do Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tổ chức với 9.317 người tham dự