Những biến động về mức độ băng biển và thời tiết khắc nghiệt tháng 2
Thế giới - Ngày đăng : 17:21, 10/03/2023
Băng biển tan chảy nhanh ở cả Bắc Cực và Nam Cực
Băng biển có ảnh hưởng lớn đến các kiểu thời tiết toàn cầu, khu vực và địa phương, đồng thời là một chỉ báo khí hậu quan trọng trong các báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO. Do đó, những thay đổi về phạm vi băng biển có thể có tác động lớn đến xã hội và hệ sinh thái.
Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn gấp đôi so với mức nóng lên trung bình toàn cầu. Kết quả là, băng biển Bắc Cực đã tan chảy đáng kể so với kỷ lục vệ tinh 45 năm. Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) và Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của EU, phạm vi băng biển hiện ở mức thấp thứ hai trong lịch sử vào cuối thời kỳ đóng băng mùa đông vào tháng 2, hoặc 1,12 triệu km2 dưới mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010 (15,30 triệu km2).
Tại Nam Cực, phạm vi băng biển được theo dõi ở mức thấp kỷ lục trong cả 2 tháng đầu năm nay. Tính đến cuối tháng 2, mức độ băng biển ở Nam Cực là 1,83 triệu km2, giảm 93.000 km2 so với mức tối thiểu theo mùa kỷ lục vào tháng 2/2022.
Nhìn chung, trong cả năm 2022, diện tích băng biển ở Nam Cực thấp, với lớp băng mới mỏng hơn và dễ vỡ hơn bình thường. Vẫn còn quá sớm để kết luận liệu điều này là do một phần của biến động thời tiết tự nhiên hay xu hướng tan chảy dài hạn mới do biến đổi khí hậu - điều có thể gây ra tác động dây chuyền lớn đối với mực nước biển dâng.
Phạm vi băng biển ở Nam Cực cho thấy sự thay đổi lớn giữa các năm và theo khu vực giữa Tây Nam Cực và bán đảo Nam Cực và Đông Nam Cực lớn hơn nhiều. Tuy nhiên. một số nhà khoa học cho rằng điều này có thể đang thay đổi. Trong thập kỷ qua, có ít sự thay đổi trong khu vực hơn và điều này khiến diện tích băng biển ở Nam Cực thấp hơn được quan sát kể từ năm 2016.
Trải rộng 14 triệu km2 (gần gấp đôi diện tích Australia), Nam Cực lạnh, nhiều gió và khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ khoảng -10°C trên bờ biển Nam Cực đến -60°C ở những phần cao nhất trong nội địa. Dải băng khổng lồ của nó dày tới 4,8 km và chứa 90% lượng nước ngọt của thế giới, đủ để làm mực nước biển dâng cao khoảng 60 mét nếu tất cả tan chảy. Bán đảo Nam Cực (mũi Tây Bắc gần Nam Mỹ) là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất hành tinh, gần 3°C trong 50 năm qua.
Nhiệt độ tăng cao và lượng mưa biến động
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus do ECMWF điều hành, châu Âu trải qua mùa đông năm nay là mùa nóng thứ hai được ghi nhận, với nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Đông Âu và một số khu vực ở Đông Bắc châu Âu.
Tháng 2 chứng kiến nhiều điểm nổi bật về nhiệt độ. Cụ thể, hầu hết châu Âu có nhiệt độ trên mức trung bình, đặc biệt là ở các vĩ độ cao phía Bắc; nhiệt độ cao hơn mức trung bình ở miền Đông nước Mỹ, miền Bắc nước Nga và ở Pakistan và Ấn Độ; nhiệt độ dưới mức trung bình xuất hiện ở Bán đảo Iberia, Türkiye, miền Tây nước Mỹ, Canada và miền Bắc Australia.
Copernicus cho biết, vào tháng 2/2023, hầu hết phía Tây và Nam châu Âu đã trải qua điều kiện khô hạn hơn mức trung bình, một số khu vực có độ ẩm đất thấp kỷ lục. Ngoài châu Âu, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở miền Nam nước Mỹ, các khu vực của Nga, Trung và Đông châu Á, Bắc Australia, Nam Brazil, Đông Nam châu Phi và New Zealand. Trong nhiều trường hợp, lượng mưa lớn, đôi khi kết hợp với lốc xoáy, đã dẫn đến lũ lụt.
Trong số các khu vực khô hạn hơn mức trung bình có một phần của Nam Mỹ, nơi cũng trải qua các đợt nắng nóng, làm trầm trọng thêm hạn hán và cháy rừng, cũng như miền nam Australia và phía Tây miền Nam châu Phi.
Cũng trong tháng 2, một sự kiện nóng lên đột ngột ở tầng bình lưu (SSW) đã xảy ra. Trong một đợt SSW, xoáy cực bị phá vỡ và có sự nóng lên nhanh chóng ở độ cao lớn, từ khoảng 10 đến 50 km. Điều này có thể thay đổi kiểu thời tiết trên bề mặt vài ngày đến vài tuần sau đó vì nó truyền xuống tầng khí quyển thấp hơn, dòng phản lực gợn sóng hơn.
Không khí lạnh từ các vùng cực có xu hướng lan rộng về các vĩ độ phía Nam hơn và ở đó trong vài ngày hoặc vài tuần. Điều này đã ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết trong tháng 3.
Nhiệt độ thấp hơn nhiều so với mức trung bình đang được quan sát và dự báo xuất hiện trong những ngày tới ở phần lớn Canada, miền Tây và Trung nước Mỹ và miền Bắc Âu Á. Mặt khác, các vùng cực Đông Bắc của Canada và Greenland đang trải qua tình trạng nóng hơn nhiều so với điều kiện trung bình.