Luật Dầu khí 2022: Hoàn thiện chính sách đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu

Kinh tế - Ngày đăng : 15:47, 10/03/2023

(TN&MT) - Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung chính sách đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhằm khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, đặc biệt tại những mỏ nhỏ, mỏ cận biên, phù hợp với định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Cơ chế điều hành khai thác tận thu

Để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng). Đây là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá, và cũng cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều lô, mỏ dầu ở nước ta đi vào giai đoạn cuối đời khai thác, chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

01(4).jpg
Khai thác dầu khí trên mỏ Rạng Đông

Trong dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí đã dành một chương riêng hướng dẫn về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, bao gồm tiêu chí xác định các lô dầu khí tại vùng nước sâu, xa bờ, mỏ dầu khí cận biên; quy trình phê duyệt danh mục các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng có một chương dành cho hoạt động khai thác tận thu, trong đó quy định các nguyên tắc khai thác tận thu, nội dung chính của cơ chế điều hành khai thác tận thu và quy trình phê duyệt, cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản tiếp nhận từ nhà thầu để tiến hành khai thác tận thu.

Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, các bộ, ban, ngành, các nhà thầu, chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí hiện đang rất khẩn trương, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định. Vừa qua, tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí năm 2022 do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức, đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh các quy định về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, cũng như chính sách khai thác các dự án dầu khí tận thu.

Theo nhận định từ phía đại diện các nhà điều hành dầu khí, các nguyên tắc áp dụng đối với công tác điều hành dự án dầu khí tận thu quy định trong Dự thảo vẫn chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Nhiều câu hỏi được đưa ra như: công tác đấu thầu mua hàng hóa, dịch vụ, công tác hạch toán kế toán, công tác đầu tư bổ sung sẽ được thực hiện theo quy trình nào, ai là người quyết định, nếu giao cho Petrovietnam thì cần thiết phải xin ý kiến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không; việc tiếp tục đóng góp quỹ thu dọn mỏ, cơ chế trích lập dự phòng cho trường hợp chi phí thu dọn mỏ của hợp đồng cũ để lại không đủ, quản lý tài sản, thanh lý tài sản… có thể được thực hiện tương tự như cơ chế áp dụng đối với hợp đồng dầu khí hay không?

Cần xem xét bổ sung các quy định, tăng cường tính thực thi

Liên quan đến vấn đề trên, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nêu nhận định: Luật Dầu khí cũ, Nghị định cũ chưa xảy ra tình huống các mỏ ở giai đoạn cuối, cũng như hợp đồng dầu khí ở giai đoạn cuối về khai thác tận thu, thu dọn mỏ... Luật Dầu khí 2022 ra đời trong bối cảnh nhiều mỏ của nước ta sau thời gian khai thác đã lâu, đang ở giai đoạn cuối, nên quan tâm đến việc này một cách đầy đủ là rất cần thiết.

02(3).jpg
TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

“Như Điều 59 dự thảo Nghị định là Petrovietnam giữ lại 30% doanh thu để làm công việc này. Nhưng ở lúc đi thu dọn mỏ thì làm gì có doanh thu để giữ lại. Hoặc nếu Petrovietnam tự lo hết các chi phí cho các dự án tận thu, thì trong trường hợp đầu tư cho thăm dò thẩm lượng không thành công thì ai chịu trách nhiệm, tính như thế nào khi không được vào cơ chế thu hồi vì là dự án tận thu? Lúc đấy thu không đủ bù đắp vào chi phí thì lấy đâu bù vào” - TS. Nguyễn Quốc Thập đặt vấn đề.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí năm 2022 do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cũng đề xuất chính sách khai thác tận thu trong Dự thảo Nghị định cần có quy định thêm về giá trị pháp lý của các tài liệu kỹ thuật đã được phê duyệt của các hợp đồng dầu khí đã chấm dứt nhưng các mỏ được tiếp nhận và duy trì hoạt động khai thác. Cơ chế quản lý các tài sản tiếp nhận từ nhà thầu và tiếp tục sử dụng cho hoạt động tận thu như thế nào, chỉ quản lý theo danh mục mà không có giá trị, khi thanh lý sẽ thực hiện thế nào; làm báo cáo hằng năm ra sao…?

Theo tinh thần của Luật Dầu khí 2022, các điều kiện ưu đãi đầu tư có thể được xem xét đối với từng mỏ trong hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực, hoặc xem xét đối với từng hợp đồng dầu khí, nếu kết quả hoạt động dầu khí cho thấy tiềm năng dầu khí của diện tích hợp đồng kém hơn so với thời điểm ký hợp đồng, hoặc phát hiện dầu khí không thể phát triển được nếu không được áp dụng các điều kiện tài chính ưu đãi hơn. Trong khi đó, dự thảo Nghị định hiện vẫn chưa có quy định về quy trình đề xuất thay đổi điều kiện hợp đồng, thẩm định, xem xét và phê duyệt của cấp thầm quyền đối với các trường hợp trên. Đây cũng là điểm cần thiết được làm rõ, bổ sung.

Các chuyên gia nhất trí quan điểm, việc phát triển các mỏ nhỏ, cận biên là giải pháp phù hợp với hiện trạng tài nguyên của nước ta và chiến lược phát triển của ngành dầu khí, góp phần tăng sản lượng khai thác, tăng nguồn thu ngân sách, tránh lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước. Để đạt được các mục tiêu này, trước hết phải xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường tính thực thi, hiệu quả của Luật Dầu khí thông qua việc hoàn thiện các điều khoản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, loại bỏ các rào cản còn tồn tại, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động dầu khí trong những năm sắp tới.

PV