Văn Yên - Yên Bái: Người dân bức xúc trước nạn khai thác cát, sỏi ở sông Ngòi Thia
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:00, 10/03/2023
Dân khốn khổ, chủ bãi thì hưởng lợi
Gọi là chủ bãi chứ thực chất là bãi cát, sỏi tự phát, do ông Đỗ Văn Dương ở xã Yên Phú đứng ra tổ chức khai thác trái phép. Nhiều người dân bức xúc: Hàng ngày, nhiều phương tiện gầm rú vào đây lấy cát, sỏi và chở qua làng. Con đường bê tông do bà con nhân dân đóng góp cứ “oằn mình” dưới bánh xe tải trọng lớn. Mặt đường rỗ lỗ chỗ, có 1 số đoạn đã hỏng bề mặt.
Chị M (xin giấu tên) kể: Khốn khổ nhất là ngày nắng, xe chạy bụi cuộn lên cả đám. Sáng, cứ mở mắt ra đã thấy máy nghiền, máy sàng, máy xúc gầm réo rồi. Họ hoạt động công khai. Ở bên bờ sông, khu bãi tập kết thuộc địa bàn xã An Thịnh có 2 cái máy xúc hoạt động. Bãi bồi, phía bên xã Yên Phú thì túc trực 1 cái máy xúc. Lúc nào cần “nhiều hàng”, họ lại tăng bo thêm máy để khai thác cho nhanh. Dưới lòng sông, cũng có 1 số tàu, thuyền hút, thường xuyên bơm cát lên bãi phía xã An Thịnh.
Cũng theo chị M, do phía dưới họ khai thác cát, sỏi, nạo hút dòng chảy dẫn đến 1 số đoạn bờ ven sông Ngòi Thia đã bị lở. Nhiều chỗ đổ sụt xuống sông. Bức xúc, bà con có ý kiến lên xã, lên huyện nhưng hầu như không có kết quả gì. Mọi việc cứ yên ắng được mấy hôm, rồi lại thấy hoạt động trở lại. Điều mà bà con nhân dân xã An Thịnh lo lắng nhất là tình trạng sạt lở, xói mòn và ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản và vận chuyển gây ra.
Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng thôn Trung Tâm, dẫn ra ngoài bãi bồi của xã Yên Phú cho biết: Bãi này vốn là bãi chăn thả gia súc của bà con nhân dân. Vừa rồi, máy xúc của họ vào sát trong này, bà con đã phải ra xua đuổi.
Tại hiện trường của bãi, PV quan sát thấy có 1 chiếc máy xúc hiệu Komasu – PC200 đang thản nhiên xúc sỏi, cát lên đổ vào dàn sàng để phân loại cát – sỏi. Lâu lâu lại có 1 chiếc xe tải chạy vào chở cát, sỏi lên bãi, hoặc chở đi đâu đó. Khi PV tiếp cận và hỏi giá cát bán tại bãi, thì người lái máy này cho biết: Tôi chỉ làm thuê cho ông Dương nên không biết giá bán cát tại bãi như thế nào cả. Có gì anh cứ lên bãi phía trên hỏi kế toán.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Toàn bộ cát dưới sông này đều là cát vàng, cánh to, dùng cho làm vật liệu xây dựng. Giá bán mỗi khối cát tại bãi từ 200 ngàn/m3, còn sỏi thì giá cao hơn, tất nhiên giá cát, sỏi phụ thuộc vào chất lượng và thời điểm trong năm để chủ bãi đưa ra mức giá khác nhau. Do đó, mỗi chuyến xe chở cát, sỏi ra khỏi bãi là chủ bãi được hưởng lợi rất lớn, trong khi tài nguyên Quốc gia bị thất thoát hàng ngày, hàng giờ.
Chính quyền liệu có làm hết trách nhiệm?
Ông Hà Minh Phượng, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Trong năm 2022, phía xã đã có mấy lần lập biên bản đối với khu vực khai thác này. Khi đoàn công tác của xã gồm lãnh đạo xã, công an, địa chính đến kiểm tra tại bãi thì ông Đỗ Văn Dương (trú tại thôn Yên Tiên, xã Yên Phú) đã không xuất trình được bất kể 1 loại giấy tờ gì, liên quan đến việc cấp phép khai thác cát. Tại hiện trường có thuyền hút cát, ông Đỗ Văn Dương cũng thừa nhận, dùng thuyền hút cát tại khu Ba Luồng, mỗi ngày có 2 thuyền, mỗi thuyền tải trọng 7 m3. Sau đó đoàn công tác có yêu cầu ông Đỗ Văn Dương phải rút thuyền về.
Trong khi đó, phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã An Thịnh về bãi tập kết cát, sỏi của ông Dương thì được biết: Khu bãi này thuộc thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh. Trước đây, gia đình ông Dương làm nhỏ lẻ tại đây, nhưng sau đó, do nhu cầu người dân mua lớn, cần xây nhà cửa, làm VLXD… nên họ khai thác ở bãi bên xã Yên Phú rồi chở sang đây tập kết và cung cấp cho ai có nhu cầu. Xã cũng có nhắc nhở nhiều lần.
Liên hệ với UBND huyện Văn Yên để tìm hiểu sự việc khai thác khoáng sản trái phép cũng như một số vấn đề về môi trường còn tồn tại ở đây, Phóng viên được Lãnh đạo huyện giới thiệu sang gặp Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tại đây, ông Trần Thống Nhất, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Khu vực điểm mỏ khai thác của ông Dương tại xã Yên Phú là điểm khai thác trái phép. Các đối tượng này đã nhiều lần bị lập biên bản xử lý, xử phạt, nhưng lâu lâu lại lén khai thác.
Qua tìm hiểu, Phóng viên được biết, điểm mỏ khai thác tại xã Yên Phú và tập kết sang xã An Thịnh là rất lớn. Khối lượng thực tế khác xa với ghi trong biên bản kiểm tra, xử lý. Đây là điểm khai thác trái phép có “lịch sử” sai phạm nhiều lần, tái diễn nhiều năm nhưng không hiểu tại sao chính quyền vẫn cho tồn tại?!
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...