Đổi thay ở “Làng Cao Bằng”

Xã hội - Ngày đăng : 12:44, 09/03/2023

Những năm 90 của thế kỷ trước, một số gia đình đồng bào người dân tộc Nùng từ tỉnh Cao Bằng xa xôi di cư về vùng đất Con Cuông xứ Nghệ để mong tìm chốn “an cư”. Sau hơn 3 thập kỷ, đến nay cuộc sống của bà con “Làng Cao Bằng” đã có những nét tươi mới.

Rời quê đi “mở đất”

Chúng tôi đặt chân đến vùng đất Yên Khê khi trời đã đứng bóng. Con đường hơn 130km từ TP Vinh (Nghệ An) lên huyện vùng cao Con Cuông đã khiến cho chúng tôi có phần trễ hẹn với lịch của cán bộ Phòng Dân tộc huyện.

Vào thôn, những đồi chè xanh mướt ở thôn Trung Tín, xã Yên Khê khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ lẫn háo hức. Một nhóm bà con đang giúp nhau hái chè. Họ tíu tít nói cười bằng tiếng Nùng. Mặt ai cũng rạng ngời. Thấy người lạ, họ dừng tay và không ngại ngần trò chuyện. “Từ ngày được cán bộ hướng dẫn trồng chè, đời sống của bà con người Nùng ở thôn Trung Tín được nâng lên rõ rệt” - Bà Khằm Thị Hoa, cho biết.

anh-1.jpg

Một góc “Làng Cao Bằng”.

Rồi cũng chính bà tận tình dẫn chúng tôi đến nhà Người có uy tín của thôn - ông Đặng Văn Hòa. Ông Hòa hình như đã "nhiễm" cái thú vui của người xứ Nghệ, chè xanh đặc quánh và thuốc lào thơm phức. Ông nói, cứ ban sáng mà làm mấy bát chè xanh với vài vê thuốc lào thì còn gì bằng.

Sau một ngụm chè xanh, ông Hòa kể về cuộc “thiên di” của bà con về vùng đất mới. Hồi trước, ở quê ông có ông Khằm Văn Sắn, đi bộ đội, lấy vợ Nghệ An, rồi định cư ở đây. Trong một lần đi thăm ông Sắn, ông Hòa và một số bà con thấy vùng đất Yên Khê đất đai tốt, chắc dễ làm ăn hơn quê mình. Sau vài ngày “khảo sát”, ông Hòa và bà con quyết định quay lại Cao Bằng để đón cả nhà vào Yên Khê.

anh-2.jpg

Những vườn chè bao quanh ngôi làng.

“Không nói hết khó khăn, vất vả của những ngày đầu đâu. Nhà không, của cải không và ở đây nước cũng không luôn. Chúng tôi phải dựng chòi để ở, bất kể ngày đêm cứ trần mình ra cuốc đất. Đến nỗi, tay tóe máu, chân nứt nẻ nhưng không một ai nản chí”, ông Hòa nhớ lại thời “mở đất”.

Còn ông Khằm Văn Chắn thì giơ bàn tay gân guốc lên và nói: Năm đó, tôi mới ngoài 30 tuổi, làm lụng khỏe như con trâu. Trời càng nắng, chúng tôi càng phải ra đồng. Biết để làm gì không? Dùng vồ gỗ nện cho tơi đất để trồng lạc, trồng vừng. Hồi đó mới vào, đã có trâu bò gì đâu, toàn phải làm bằng tay cả. Sướng nhất là khi trời mưa xuống, có nước để trồng lúa. Mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa thôi, không như bây giờ, mỗi năm có 2 vụ lúa.

anh-3.jpg

Người dân “Làng Cao Bằng” đang thu hoạch chè.

Ông Hòa, say sưa tiếp câu chuyện: "Cứ thế, chúng tôi chắt bóp, tằn tiện, nhà khá hơn giúp nhà khó hơn, dần dần dựng được nhà cửa. Bọn trẻ được đi học, trường cũng gần, không như ở Cao Bằng. Bây giờ thì có nhiều nhà giàu lắm, xây được nhà tầng, mua được ô tô…".

“Không thiếu gạo như ngày xưa đâu, nhà nào cũng dư ăn rồi”

“Con gái, con trai người Nùng lấy chồng lấy vợ người Kinh, người Thái nhiều lắm, không có bất kỳ sự phân biệt nào cả. Thanh niên ở đây cũng thành thạo tiếng Thái như người Thái vậy. Đặc biệt, lớp trẻ bây giờ còn biết cả tiếng Anh nữa”, ông Đặng Văn Hòa, Người có uy tín ở bản phấn chấn kể về sự thay đổi của bản.

Theo lời ông Đặng Văn Hòa, thì những ngày đầu “mở đất” chỉ có 20 hộ gia đình người Nùng từ Cao Bằng đến đây. Ban đầu, bà con chọn vùng đất Măng Đắng. Nhưng do ở đó thiếu nước trầm trọng, nên xã Yên Khê đã bố trí cho bà con về thôn Trung Tín.

anh-4.jpg
Cây chè mang lại thu nhập cho người dân "Làng Cao Bằng".

Nay, người Nùng ở đây đã lên đến 40 hộ gia đình. Và trong 40 hộ đó, chỉ còn vài hộ còn khó khăn, do già cả, bệnh tật, còn nữa bà con đều có cuộc sống ổn định. Như để minh chứng cho lời nói của chồng, bà Trương Thị Lầu, tươi rói: “Không thiếu gạo như ngày xưa đâu, nhà nào cũng dư ăn rồi”.

Điều mà ông Hòa tỏ ra vui nhất là, bà con người Nùng hòa nhập rất tốt với dân địa phương, gần như không có khoảng cách giữa bà con các dân tộc Thái - Kinh - Nùng. “Con gái, con trai người Nùng lấy chồng lấy vợ người Kinh, người Thái nhiều lắm, không có bất kỳ sự phân biệt nào cả. Thanh niên ở đây cũng thành thạo tiếng Thái như người Thái vậy. Đặc biệt, lớp trẻ bây giờ còn biết cả tiếng Anh nữa”, ông Hòa phấn chấn.

anh-5.jpg

Ông Đặng Văn Hòa đang trò chuyện cùng phóng viên.

Tôi hỏi thêm các ông về cung cách làm ăn mới, ai cũng hào hứng. Ông Khằm Văn Chắn lại giơ đôi bàn tay sần sùi, mô tả: Ngày xưa làm bằng tay hết, bây giờ máy móc nhiều rồi. Bà con ta nay làm được 2 vụ lúa mỗi năm là do có điện đó. Nhà nào cũng lắp điện 3 pha để phục vụ máy bơm nước. Thế nên bây giờ không ai phải lo cái ăn cái mặc hằng ngày nữa. Đoạn ông bấm đốt ngón tay, cười thật tươi, nói: "Có 6 gia đình người Nùng được xếp vào diện nhà giàu ở xã này. Thứ nhất là họ có nhiều đất; thứ hai là họ biết làm trang trại; thứ ba họ biết trồng giống cam đặc sản và một vài hộ thì làm dịch vụ, buôn bán…

Trong niềm phấn khích về cuộc sống đổi thay, Người có uy tín Đặng Văn Hòa nói như reo: Bà con mình ở đây không có bất cứ cháu nào thất học, đứa nào cũng được học hành và đi làm ở các công ty. Năm vừa rồi, cả thôn ăn mừng vì sau mấy mươi năm vào đây, cháu Đặng Văn Nam là người đầu tiên thi đỗ đại học. “Tôi tin tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi của cháu Nam là tấm gương sáng để các cháu khác noi theo. Và, ngày sẽ có nhiều gia đình đầu tư hơn cho việc học của con em”, ông Hòa rất tự tin.

Đang say sưa câu chuyện, ông Hòa cáo bận một chút. Thì ra ông vào nhà trong để thay bộ quần áo truyền thống của người Nùng. Tuy không còn mới nhưng bộ quần áo rất tinh tươm. Ông nói, bộ quần áo này chỉ mặc trong các dịp lễ, Tết, vì ở đây không có bán, mỗi lần về thăm quê Cao Bằng cũng chỉ dám mua vài bộ thôi.

anh-6(1).jpg

Vợ chồng ông Khằm Văn Chắn - bà Trương Thị Lầu trong trang phục truyền thống của người Nùng.

Vuốt lại các nếp gấp trên áo, ông Hòa tâm tình: Người Nghệ An có câu nói rất hay, nhập gia phải tùy tục. Chúng tôi vào đây cũng biết “tùy tục” nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa của người Nùng. Trước hết là tiếng nói, rồi đến trang phục, nhất là một số lễ hội phải giữ gìn và phát huy, không được phép để nhạt phai. Và cái văn hóa đùm bọc nhau của người Nùng thì tôi dám chắc không một tác động nào làm thay đổi được.

"Chúng tôi ở đây, trước vẫn thế, bây giờ vẫn thế, hễ nhà ai có việc vui buồn, bà con đều chung tay chung vui, chia buồn. Người có gạo góp gạo, người có tiền góp tiền, không ai phải tủi thân. Nếu không thế, thì không thể có chuyện 40 hộ gia đình người Nùng ở đây đều có nhà cửa khang trang, khá giả như bây giờ" - Ông Đặng Văn Hòa chốt lại câu chuyện.

Đình Tiệp