Lai Châu phát triển cây dược liệu hướng giảm nghèo bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 12:43, 09/03/2023
Tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu
Những năm qua, tỉnh Lai Châu xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân ở các xã biên giới, nơi có điều kiện thuận lợi và có tỷ lệ che phủ rừng lớn.
Tỉnh Lai Châu có tổng diện tích rừng hiện có là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất rừng và đất lâm nghiệp. Cùng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm như: Thất diệp Nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thảo quả, tam thất hoang... Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.
Qua rà soát đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt cho cây sâm. Hiện Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải, cho biết: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Lai Châu sẽ trồng mới 900ha cây dược liệu, xây dựng 5 cơ sở nhà máy chế biến và sản xuất giống. Đồng thời, xây dựng 1-2 sản phẩm dược liệu mang đậm thương hiệu của Lai Châu. Trong giai đoạn 2026-2030, Lai Châu sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đối với các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của Lai Châu.
Hiện nay, Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm. Hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống. Hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Đây chính là cơ hội giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.
Hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo
Phát triển dược liệu đã và đang được UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, xác định là hướng đi phù hợp với tái cơ cấu, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng, mang lại giá trị thu nhập cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân nhất là đối với bà con đồng bào DTTS ở Lai Châu.
Cách thành phố Lai Châu khoảng 60 km, huyện Sìn Hồ được biết đến là huyện có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu của tỉnh Lai Châu. Huyện được đánh giá là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Không để lãng phí tiềm năng, những năm gần đây, huyện Sìn Hồ đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp lục nhất chi hoa. Các sản phẩm dược liệu này đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô hay các cây hoa màu khác và được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong, ngoài tỉnh, giúp nhân dân có thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài với cây dược liệu.
Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho biết: Với việc khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu, huyện Sìn Hồ còn có các chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trồng, chiết xuất, chế biến các loại thảo dược. Thông qua thực hiện các chính sách, đề án về "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030"; "Phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu", huyện Sìn Hồ đã tập trung hỗ trợ khôi phục một số vùng dược liệu và xác định dược liệu là một trong những sản phẩm được đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương.
Đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600 ha dược liệu các loại. Riêng từ năm 2020 đến nay, huyện trồng mới hơn 120 ha các loại cây dược liệu, trên địa bàn huyện cũng hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và rải rác tại một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.
Từ các sản phẩm dược liệu qua sơ chế, chế biến đã giúp huyện Sìn Hồ có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Lai Châu. Từng bước khẳng định ưu thế, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu và trở thành cây trồng giúp người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có thu nhập tốt hơn, xóa đói giảm nghèo nhanh hơn.
Theo anh Mùa A Dì, dân tộc Mông ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn chia sẻ: Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 600m2 ruộng 1 vụ và cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng cây dược liệu. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình đã thu gần 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 6 lần trồng cây lương thực có hạt. Với tiền thu được từ trồng đương quy đã giúp gia đình tôi và các hộ trong bản có thu nhập ổn định, mua sắm trang thết bị phục vụ cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đã có một hướng đi vững chắc, mở ra cho địa phương này những cơ hội mới, giúp đồng bào các DTTS vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính quỹ đất dốc của địa phương. Với những chính sách về đất đai, thu hút các nhà đầu tư và ưu đãi, khuyến khích các mô hình kinh tế, HTX dịch vụ, thương mại, sản xuất nông nghiệp tại địa phương sẽ tạo đà cho ngành nông nghiệp Lai Châu phát triển. Cơ hội cho người nông dân, đặc biệt đồng bào các DTTS ở Lai Châu làm giàu và thoát nghèo bền vững.