Nghiên cứu cảnh báo sớm thiên tai tại Sapa, hỗ trợ nông dân thoát nghèo

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:43, 09/03/2023

(TN&MT) - Thị trấn Sapa - Xã Tả Van từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi mưa bão triền miên, tình trạng lũ quét, sạt lở, gây nên nhiều thiệt hại về người và của nghiêm trọng .... Hiện tượng thiên tai khó lường này không những gây nguy hiểm cho tính mạng con người mà về lâu dài còn ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt trong việc xóa đói giảm nghèo đến đồng bào thiểu số.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Sapa, năm 2021, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và mưa lớn gây nên tình trạng xói mòn hay gây ra lũ quét đã khiến 14,4 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp; một số tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng do mưa lớn gây sạt lở đất, đá; nhiều tuyến đường hiện vẫn đang bị chia cắt gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân,…

Bên cạnh đó, do sự thay đổi của biến đổi khí hậu với các đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, giông sét, băng giá, sương muối xảy ra với tần suất ngày một nhiều tại các vùng núi cao, trong đó có xã Tả Van nên càng gây ra nhiều tổn thất. Đặc biệt đối tượng chủ yếu bị ảnh hưởng là người dân nghèo tại các khu vực vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ sạt lở cao.

2a504167c3252a7b7334.jpeg
Vùng đất sạt lở tại Tả Van - Sapa tỉnh Lào Cai

Trước tình hình cấp bách trên, tỉnh Lào Cai đã yêu cầu chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân trong toàn tỉnh, nhất là các huyện vùng núi, cần tăng cường cao nhất công tác phòng tránh lũ quét, trượt lở đất đá, gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, hoa màu và các loại cây trồng. Đề phòng những hiện tượng thời tiết cực đoan bất trắc có thể xảy ra.

Nhằm nâng cao nguồn lực cùng khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai, tỉnh đã tập trung như xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ,…); phối hợp cùng nhiều doanh nghiệp và các tổ chức khoa học tích cực triển khai các đề án khoa học, trạm thực nghiệm,… phục vụ xây dựng các công trình nghiên cứu với mục đích quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Trong đó có Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Thiết lập hệ thống quan trắc theo thời gian thực phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất” từ Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia để xây dựng quy trình công nghệ cảnh báo trượt lở đất theo thời gian thực tại Tả Van – Sa Pa và Tĩnh Túc - Cao Bằng.

Nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết lập hệ thống quan trắc theo thời gian thực phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất” của PGS.TS Hoàng Việt Hùng (Đại học Thủy Lợi) thuộc đề tài Nghị định thư trong chương trình Nghiên cứu chung Đông – Á (e – Asia JRP). Đề tài đã thiết lập hệ thống quan trắc theo thời gian thực tại Tả Van – Sa Pa và Tĩnh Túc - Cao Bằng. Trong đó, nghiên cứu đã hỗ trợ xây dựng được bản đồ nhạy cảm trượt lở đất tỷ lệ 1/2000 cho khu vực trọng điểm sạt lở và phát triển quy trình công nghệ xử lý số liệu phục vụ cảnh báo sớm trượt lở cho hai khu vực.

Về thiết lập hệ thống quan trắc trượt lở đất tại hai điểm nghiên cứu đã phục vụ cho công tác ghi đo, truyền dẫn theo thời gian thực và công tác lưu trữ dữ liệu được thực hiện liên tục; phát hiện quan hệ giữa mưa và các dịch chuyển, mưa và áp lực nước lỗ rỗng trong khối trượt được tự động biểu diễn và liên tục theo thời gian. Thiết kế trạm theo hướng hợp lý hoá hệ thống thiết bị, đảm bảo an toàn cho các thiết bị về lâu dài.

Cùng với đó, nghiên cứu được phối hợp cùng đối tác Nhật Bản phát triển bản đồ trượt lở đất theo thời gian thực, trong đó, có mô hình đơn giản để mô phỏng ảnh hưởng của mưa đến ổn định mái dốc, giả thiết thay đổi vật liệu mái dốc để tính toán, tích hợp lượng mưa theo thời gian thực. Kết quả hiển thị trên bản đồ sẽ thể hiện sự biến đổi mực nước ngầm theo thời gian thực, hệ số mái dốc theo thời gian thực và đề xuất công tác ứng phó khi xuất hiện hiện tượng sạt lở đất tại hai địa điểm.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng mang lại hiệu quả kinh tế về cách tiếp cận đánh giá trượt lở đất khu vực theo hướng định lượng, phân tích cho vùng trọng điểm có rủi ro cao giúp địa phương cơ sở quy hoạch lại dân cư, xây dựng giải pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai, trượt, sạt lở đất nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro về người và của tại Tả Van – Sapa và Tĩnh Túc – Cao Bằng.

Trên cơ sở kết quả đánh giá trượt lở đất định lượng và chi tiết, đề tài nghiên cứu đã giúp tỉnh địa phương chủ động trong phòng, chống ứng phó giảm thiểu tác động về con người, xã hội, môi trường. Tối ưu hoá được hệ thống truyền dẫn, ghi đo dự báo trượt lở đất. Nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết bị, làm cơ sở để xây dựng mạng lưới điểm trạm quan trắc trong một khu vực hay một vùng.

Thuỵ Khanh