Phố núi Sơn La sẵn sàng cho Lễ hội Mùa hoa ban 2023
Xã hội - Ngày đăng : 11:34, 09/03/2023
Lễ hội được tổ chức với 2 phần: Phần lễ sẽ thực hiện các nghi thức cúng lễ Xên Mường tại Công viên Đông Xên, phường Chiềng Cơi, dự kiến vào sáng 10/3.
Phần hội với 10 hoạt động chính tại Quảng trường Tây Bắc. Gồm: Thi trại văn hóa, mỗi xã phường sẽ bố trí 3 gian trại liền nhau, trưng bày các sản phẩm đặc trưng địa phương; tái hiện Hội Hạn khuống (hát giao duyên); thi trình diễn nghệ thuật xòe Thái; thi người đẹp Hoa Ban; trưng bày, thuyết minh ẩm thực dân tộc; thi thêu khăn piêu;
Thi thể dục dưỡng sinh, dân vũ, khiêu vũ; thi các môn thể thao dân tộc; trải nghiệm tham quan, chụp ảnh trên đồi Hoa Ban; công bố kết quả đợt vận động Chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố…
Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật, thi người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Thái nguyên bản và trình diễn trang phục dân tộc Thái cách tân sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 phút tối 11/3 tại Quảng trường Tây Bắc.
Bên cạnh đó, trong sáng 11/3, Thành ủy Sơn La sẽ tổ chức Hội thảo “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc".
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Công Chính cho biết: Lễ hội được tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố Sơn La, mang đậm bản sức văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Gắn với quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa và du lịch thành phố Sơn La, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Đến nay, thành phố đã lựa chọn 16 nghệ nhân tại 5 xã, 3 phường thực hiện tái hiện Hội Hạn Khuống. Các xã phường đang tổ chức tập luyện thi trình diễn nghệ thuật xòe Thái. Đang lắp đặt các cụm pano tuyên truyền tại khu vực lễ hội, các ngã ba, ngã tư trên các trục đường chính; dựng trại văn hóa tại khu vực Quảng trường…
Tại cuộc làm việc thống nhất nội dung tổ chức Lễ hội Mùa hoa ban thành phố năm 2023, Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến cho biết: Lễ hội năm nay diễn ra với nhiều điểm mới nổi bật, gồm: Hội thảo; phần thi trình diễn gắn với thực cảnh trên đồi hoa ban; không gian văn hóa thành phố Sơn La qua các bức ký họa, câu thơ, câu viết về cách ứng xử, văn hóa giữa người với người bằng tiếng Thái; hoạt động an sinh xã hội…
“Như vậy, việc tổ chức Lễ hội năm nay khá toàn diện, vừa có chất nghệ thuật, văn nghệ, vừa có chiều sâu về câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Và lan tỏa cả sự yêu thương, tính nhân văn trong cộng đồng bằng hoạt động an sinh xã hội, vận động cộng đồng chung tay xóa nhà tạm cho các hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở…” – Bí thư Thành ủy Sơn La khẳng định.
Ông Hà Trung Chiến cũng yêu cầu, các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.
Giao lực lượng Công an chuẩn bị phương án về giao thông, bến bãi gửi xe, an toàn trật tự. Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và đô thị đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực diễn ra lễ hội, tiếp tục chỉnh trang cảnh quan đô thị toàn thành phố.
Các xã, phường, Trung tâm Truyền thông Văn hóa đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động lễ hội, đến tham gia đông đảo. Qua đó, góp phần lan tỏa hình ảnh thành phố Sơn La giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, đưa thành phố trở thành tiểu vùng trung tâm văn hóa khu vực Tây Bắc.