Tháng ba Tây Nguyên

Văn hóa - Ngày đăng : 11:33, 09/03/2023

(TN&MT) - Khi những bông hoa cà phê bung trắng muốt bạt ngàn khắp núi đồi Tây Nguyên, đôi chân của những con người đồng bằng lại xốn xang muốn bay đến ngay với vùng đất bazan đầy nắng gió. Chẳng khác nào trai gái Jrai, Êđê nghe tiếng cồng chiêng là cái chân muốn lội suối băng rừng, tháng ba Tây Nguyên đẹp rực rỡ tựa như những cô sơn nữ làm đắm say bao lữ khách của miền xuôi muốn buông bỏ mọi thứ để đến với mình.

Tôi chẳng nhớ rõ mình đến với mảnh đất này bao nhiêu lần nữa. Chỉ biết rằng nơi ấy có bạn bè, người quen và cả người thân của tôi đã chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai. Tôi lên Tây Nguyên chẳng khác gì con chim phí nhớ chốn xưa mà trở lại, con nai, con mang phiêu bạt nơi đồng cỏ mênh mông bỗng chốc nhớ rừng mà quay về. Từ lúc cơn khát gỗ chưa bén đến nơi này, vùng đất được mệnh danh là đại ngàn vẫn còn là nơi giao hòa của muôn loài. Những cánh rừng nguyên sinh điệp trùng tạo nên miền khí hậu đặc trưng nơi đây. Chỉ cần vượt qua những con đèo là đã có cảm giác như được chui vào căn phòng có máy lạnh. Những cái tên như Lò Xo, Violak, An Khê, Tô Na, Phượng Hoàng... như những con rồng khổng lồ trườn từ đồng bằng uốn lượn giữa bạt ngàn cây lá mà tìm về với rừng già. Đứng nơi lưng chừng đèo trong bảng lảng sương mù ngắm những cánh rừng thấp thoáng trong màu đùng đục lúc sương chưa trốn chạy những tia nắng đầu ngày chẳng khác nào chốn bồng lai. Những tầng cây xanh mát mắt. Thi thoảng có vài cây lá đỏ rực nhô lên ngơ ngác, kiêu hãnh xào xạc trong gió nhẹ lúc đầu ngày tựa vũ điệu chim rí phô diễn vẻ đẹp của mình trước bạn tình.

du-khach-say-dam-truoc-ve-dep-tinh-khoi-cua-hoa-ca-phe-va-chim-dam-trong-huong-thom-diu-nhe-ngot-ngao.-anh-the-hung..jpg

Du khách say đắm trước vẻ đẹp tinh khôi của hoa cà phê và chìm đắm trong hương thơm dịu nhẹ, ngọt ngào. Ảnh Thế Hùng.

Tôi nhiều lần lang thang Tây Nguyên trong mùa hoa cà phê nở rộ bởi tôi yêu chút lành lạnh ve vuốt làn da. Tôi thích ngắm nhìn những con phố núi nhấp nhô cao thấp trong sương giữa chiều tà vì người ta ví nơi đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Tây Nguyên chẳng khác gì những điệu Khan, Xing Nhã hay H,mon dài dằng dặc mà những nghệ nhân già vẫn đêm đêm kể cho cháu con của mình nghe chưa biết khi nào kết. Mỗi lần đến với Tây Nguyên, ta như được khám phá thêm những chương hồi trong bộ sử thi của các tộc người. Ta mê những bàn chân trần bước những bước rộn rã, nhịp nhàng trong những đêm Xoang. Vòng tròn quanh đống lửa dưới sân nhà sàn cứ nới rộng ra khi con trai, con gái đôi tay hòa nhịp say sưa nhảy múa. Cái cồng, cái chiêng cũng thức cùng mà ngân lên giai điệu của núi rừng. Những đôi tay chắc khỏe, những bộ ngực trần vạm vỡ của các chàng trai. Những cô gái trong bộ váy áo thổ cẩm dặt dìu sóng sánh theo tiếng ình uông lúc réo rắt lúc khoan thai. Những đôi mắt rạng ngời, trong veo như có chút men rượu ủ từ bên trong ấy làm ta cứ muốn vít cần hoài mà chẳng thấy say. Ta muốn cùng em tay trong tay sóng sánh cùng vòng Xoang mà lại sợ Zàng bắt tội.

Ta mơ một đêm nào đó lạc vào giữa buôn của người Ba Na để được tận mắt chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn nhấp nhô bên những rẫy cà phê nở hoa trắng toát. Ta mơ được đặt chân lên nhà rông có mái tranh cao vút như lưỡi rìu của một người tiều phu khổng lồ chém vào trời xanh mà vít cần tận hưởng ché rượu của núi rừng. Ta ước được thêm nhiều lần nữa ngồi bên đống lửa tí tách mà nghe giọng người nghệ nhân già kể chuyện Xing Nhã chiến đấu với anh em nhà Gia-rơ Bú đòi lại công bằng cho cha mẹ. Ta đã từng bị quyến rũ bởi sự huyễn hoặc, nghiêm trang của những lễ hội của các dân tộc ít người nơi cao nguyên này. Tiếng già làng khẩn cầu “Uê Zàng ơi! Uê thần Núi, thần Nước, thần Sấm, thần Sét”... Chúng tôi kính mời các thần linh xuống uống rượu cùng ăn thịt heo, thịt gà và cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cầu cho con heo, con bò khỏe mạnh, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm...” hòa cùng gió mà vang xa thấu tai các thần linh. Tôi miên man “đi tìm lời ru mặt trời” mà bắt gặp “đôi mắt Pleiku” làm trái tim mình tan chảy. Tôi lang thang giữa tháng ba Tây Nguyên mà nghe “Thênh thênh ook ơi” của những bà mẹ địu con lên nương tra hạt bắp. Những câu hát làm bầy nai vểnh tai ngơ ngác, làm bầy ong đang đi tìm mật ngưng cánh bay. Tôi gặp những người cha với đôi vai gầy và “đôi chân trần” dẫm đạp khắp núi rừng cho con bữa cơm chiều lót dạ.

say-thom-hoa-ca-phe.-anh.-huu-hung.jpg

Say thơm hoa cà phê. Ảnh. Hữu Hùng

Lang thang Tây Nguyên tháng ba, ta lạc vào giữa những rẫy cà phê trải dài bạt ngàn đang mùa đơm hoa trắng muốt. Những cây cà phê vươn cành nở những chùm hoa như những bông cúc đại đóa làm ta phải xốn xang bởi vẻ đẹp tinh khiết của nó. Ta thích làm những chú ong chờn vờn bên những bông hoa như những bông tuyết trĩu nặng trên cành phả một mùi hương nồng nàn làm say lòng người. Ta muốn làm chim Kơ Tia chao đôi cánh bay khắp bầu trời Tây Nguyên mà ngắm nhìn cho thỏa sức. Chẳng còn dã quỳ vàng rực Chư Đăng Ya mà thay vào đó là màu xanh mơn mởn của muôn loài cây trái hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng này. Chẳng có những cánh đồng rợp trắng cánh cò như đồng bằng nhưng những rừng cao su ngay hàng thẳng lối ngút ngàn tầm mắt đã làm đắm say những con người yêu thiên nhiên.

Tây Nguyên tháng ba, những dòng thác vẫn ngày đêm tuôn trào tạo nên sự hùng vĩ của núi rừng mà không kém phần mộng mơ. Nước mắt nàng H,Ly khóc thương chàng trai Y Rốc bên bờ Sê San trong héo mòn mà biến thành dòng thác Yaly. Mỗi khi có dịp đặt chân lên cao nguyên, ai cũng muốn đến tận nơi chứng kiến dòng nước mắt lai láng ấy đã chuyển thành thủy điện Yaly như thế nào. Truyền thuyết về mối tình của đôi trai gái hai dòng tộc đôi bờ Srepok tạo nên Dray Nur và Dray Sáp thu hút khách thập phương mỗi khi đến thủ phủ của cà phê Buôn Ma Thuột. Và còn biết bao những dòng thác lớn nhỏ nữa trên khắp miền cao nguyên mênh mông này là nơi hư ảo níu chân ta.

cong-chieng-tay-nguyen.-mot-kiet-tac-van-hoa-cua-viet-nam.jpg

Cồng chiêng Tây Nguyên, một kiệt tác văn hóa của Việt Nam

Tháng ba không còn những cơn gió xô nhau qua rẫy cà phê mà chỉ thấy nắng vàng như mật rót xuống. Đại ngàn. Những cánh chim Chrao. Những thớt voi hùng dũng của vua voi Ama Kông nơi buôn Đôn. Tiếng đànT’rưng róc rách như tiếng suối, tiếng đàn Ding Goong ngân vang trong những đêm mừng được mùa... Đi giữa Tây Nguyên chợt nghe câu Quan họ “người ơi người ở đừng về” hay điệu Then rộn ràng từ tận phía Bắc xa xôi. Tây Nguyên giờ đã đổi thay, nhưng trong ký ức dòng thời gian miên viễn, câu hát của bài “Đêm Xoang Tây Nguyên” cứ văng vẳng để lòng lại rạo rực, để chân lại rục rịch muốn vượt đèo.

“ Nhà rông bập bùng ánh lửa

Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em

Anh vít cần, vít cần mà không dám uống

Điệu xoang nhịp nhàng, dòng người sóng sánh

Anh cứ sợ, cứ sợ mình lạc mất nhau thôi.”

Ôi Tây Nguyên ơi! Chờ ta nhé.

Ghi chép của Bùi Duy Phong