Miền Trung: Sớm giải "cơn khát" nguồn cung vật liệu xây dựng, san lấp
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:14, 09/03/2023
“Khát” vật liệu xây dựng, san lấp
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 11 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND thành phố cấp phép còn hiệu lực, trong đó, có 9 mỏ đá xây dựng với tổng trữ lượng khai thác theo giấy phép là hơn 850.000 m3 đá nguyên khối /năm; 1 mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng khai thác theo giấy phép là 200.000 m3 đất nguyên khối/năm. Ngoài ra, hiện tại có 4 giấy phép khai thác trong dự án xây dựng công trình và 4 công văn bóc đất phủ tại các mỏ đá với tổng trữ lượng khai thác 388.199 m3 đất nguyên khối.
Trong khi đó, theo thống kê từ nay đến năm 2030 sẽ là thời kỳ triển khai mạnh các công trình, dự án trên địa bàn Đà Nẵng , dẫn đến nhu cầu đá xây dựng tăng cao, trung bình mỗi năm khoảng 1.700.000m3 đá; tổng nhu cầu đất đắp, san lấp các công trình, dự án đến năm 2030 là hơn 40 triệu m3 đất.
Theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án bến cảng Liên Chiểu), nguồn vật liệu cần cung cấp cho dự án là rất lớn với khối lượng 2.379.000m3 đá, trong đó, năm 2023 cần 1.189.000m3 đá, năm 2024 cần 713.800m3 đá và năm 2025 cần 475.800m3 đá.
Năm 2021, TP. Đà Nẵng đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn đợt 1 năm 2021, đồng thời cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho Công ty cổ phần xây dựng thương mại Long Bình và Công ty cổ phần Đầu tư khu đô thị Nam Cường. Tuy nhiên, trải qua nhiều tháng, các doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn chưa đưa mỏ vào khai thác do chưa thoả thuận bồi thường được đất với người dân khiến tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền tại các dự án của TP. Đà Nẵng chậm được giải quyết.
Theo đại diện một doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho biết, nếu như trước đây, mức giá trúng thầu dự án mỗi m3 đất san lấp chưa đến 50.000 đồng, thì nay mức giá này đã tăng lên gấp nhiều lần mà vẫn không có nguồn vật liệu san lấp. Đẩy các nhà thầu vào tình cảnh thua lỗ.
Tại Quảng Nam, dự án đường tránh lũ đi qua địa bàn thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng "đứng bánh" nhiều năm nay. Nguyên nhân là do không có nguồn đất để đắp, phục vụ công trình.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án hiện đã xây dựng cầu hoàn thành 2 năm nay, tuy nhiên phần đường vẫn không có đất san lấp để đắp. Theo báo cáo của các nhà thầu, để thi công đắp đất cho cả dự án này, nhà thầu lỗ khoảng 30 tỷ đồng (theo giá hiện tại so với giá dự thầu). Tuy nhiên, bài toán khó nhất vẫn là không có đất san lấp để phục vụ công trình.
Sớm triển khai các giải pháp
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Nguyễn Hồng An, thành phố đã chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án, nhất là đất đắp, san lấp và đá xây dựng.
Cụ thể, bên cạnh lập thủ tục cho phép một số đơn vị được nâng trữ lượng, mở rộng và tăng công suất, gia hạn khai thác mỏ khoáng sản, hiện nay, Sở TN&MT phối hợp UBND huyện Hòa Vang và các sở, ban, ngành khảo sát các khu vực có trữ lượng khoáng sản (đất đồi, đá xây dựng) để cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, nghiên cứu để cho các trường hợp đã nhận chuyển nhượng, thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo Điều 73, Luật Đất đai năm 2013 được lập thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản để cung cấp vật liệu cho các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng có văn bản quán triệt, việc khai thác khoáng sản chỉ để phục vụ cho nhu cầu cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố; không xem xét, xử lý kiến nghị được vận chuyển khoáng sản phục vụ các công trình ngoài địa bàn thành phố, trường hợp cần thiết thì các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý cụ thể.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đã đến lúc khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động cung ứng vật liệu, không để tái diễn tình trạng khan hiếm và tăng giá, gây khó khăn thêm cho tiến độ thi công các công trình.
Ông Thanh yêu cầu các doanh nghiệp đấu giá trúng khẩn trương làm thủ tục cấp phép khai thác. Nếu để kéo dài sẽ bị thu hồi. Có thể tính toán gom các mỏ nhỏ gần nhau thành một điểm mỏ để đấu giá. Chủ động tháo gỡ khó khăn về thủ tục để đưa các mỏ vào khai thác.
Đặc biệt, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp trúng đấu giá khẩn trương làm thủ tục cấp phép xây dựng, khai thác đúng trữ lượng theo giấy phép. Tăng cường quản lý thuế khoáng sản bằng các biện pháp hữu hiệu hơn. Việc gia hạn các giấy phép khai thác cần chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng trình UBND tỉnh có chỉ đạo, giải quyết riêng.
Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cát, sỏi cung cấp cho các công trình và ổn định nhu cầu sử dụng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Quảng Nam đã có công văn đề nghị UBND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang…. đôn đốc các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi có mỏ còn hiệu lực trên địa bàn đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Trường hợp các mỏ không đưa vào hoạt động khai thác phải có lý do chính đáng phải có văn bản gửi về Sở TN&MT để tổng hợp báo cáo tỉnh chỉ đạo.
"Bắt đầu từ cuối tháng 2/2023, một số bãi cát trên địa bàn huyện đã mở cửa trở lại như mỏ cát xã Đại Hồng, Đại Sơn, bãi cát dưới chân cầu Giao Thủy hoạt động lại từ ngày 1/3, chủ yếu tập kết cát khai thác từ khu vực xã Duy Hòa (Duy Xuyên) chuyển sang, riêng mỏ cát xã Đại Hoà chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động. Giá bán tại các mỏ đều được niêm yết 150.000 đồng/m3" - ông Võ Ngọc Tốt, Trưởng phòng TN& MT huyện Đại Lộc cho biết.