Yên Bái góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bám sát thực tế địa phương
Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 19:05, 07/03/2023
Tham dự hội nghị có các phòng, đơn vị trực thuộc Sở TN&MT, Ban quản lý dự án và các Phòng TN&MT của 9 huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến tham gia và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ và hiệu quả.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương 236 Điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung, chính sách. Với mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp trong công tác quản lý đất đai, Phó Giám đốc Sở TN&MT yêu cầu tất cả các ý kiến phải mang tính chuyên sâu, cụ thể và bám sát thực tiễn của địa phương.
Tại hội nghị, đã có 27 ý kiến tham gia đóng góp, trong đó có 18 ý kiến của các huyện, thị xã, thành phố và 9 ý kiến của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở TN&MT. Các nội dung tham gia ý kiến chủ yếu liên quan đến các vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường hỗ trợ tái định cư; bảng giá đất; các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh…
Đóng góp ý kiến trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Chu Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái cho rằng, cần phải xem xét lại khoản 1, điều 60 trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tại khoản 1 có nêu: “Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt”. Theo ông Sơn với quy định này cần phải xem xét để tránh bị trùng lập.
Ông Chu Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất cũng đóng góp ý kiến về việc quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Ông Sơn cho rằng, điều 24 công dân có quyền tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
“Tuy nhiên, đền điều 26 nghĩa vụ công dân chưa có khoản quy định về nghĩa vụ của công dân phải tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Về nội dung này cần xem xét bổ sung.”, ông Sơn góp ý.
Liên quan đến đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, ông Nguyễn Xuân Tùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Bình cho rằng, tại Khoản 1, điều 137 có nêu “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 135 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”. Với nội dung này cần sửa đổi, bởi quy định rất chung chung, rất khó áp dụng quy định trên địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tỉnh miền núi như Yên Bái.
Kết luận hội nghị, ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và bám sát thực tế của địa phương. Sở sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan những góp ý của các đại biểu để báo cáo Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh và các cơ quan liên quan.
Được biết, theo kế hoạch, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức lấy ý kiến với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến hết ngày 15/3/2023.