Bổ sung một số quy định về tài chính nước trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Góp phần tính đúng, tính đủ giá trị sử dụng nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:35, 07/03/2023

(TN&MT) - Tài chính tài nguyên nước là nội dung đã được quy định ở Luật Tài nguyên nước 2012, là cơ sở để huy động nguồn lực cho bảo vệ tài nguyên nước quốc gia, thu được tiền ngân sách nhờ nguồn cấp quyền khai thác và thuế phí tài nguyên nước.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thi hành, vẫn bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định tài chính về tài nguyên nước. Mục tiêu của chính sách là tính đúng, tính đủ giá trị sử dụng nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí nước và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Tài chính cho ngành nước còn hạn chế

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước 2012 đã chỉ ra rằng, thời gian qua, tài chính cho ngành Nước còn hạn chế, hiện mới chỉ thu được từ thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác, phí thẩm định cấp phép tài nguyên nước; giá nước chưa được tính đúng, tính đủ; chưa thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân cho lĩnh vực này; việc sử dụng nước còn chưa tiết kiệm.

Thực tế, nguồn thu từ các danh mục thu nêu trên chỉ đạt gần 10 nghìn tỷ đồng/năm, gồm thuế tài nguyên khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng/năm, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/năm. Mặt khác, tiền thu từ dịch vụ cung cấp nước còn thấp, giá nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp thấp hơn giá thành, Nhà nước và doanh nghiệp đang phải bù lỗ. Giá nước sinh hoạt nông thôn hiện nay là rất rẻ, dao động khoảng từ 5.000 - 6.000 đồng/m3, chỉ bằng ½ giá thành. Đặc biệt, tình trạng chưa thu giá nước cho nông nghiệp, coi nước là “của trời cho” gây thất thoát, lãng phí lớn, sử dụng nước không tiết kiệm, thiếu hiệu quả, làm triệt tiêu nội lực, thiếu động lực phát triển và không xã hội hóa được việc cấp nước cho nông nghiệp.

son-ka.jpg

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hệ thống pháp luật còn thiếu cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương như hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; thẩm định các dịch vụ công; các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy. Điều này dẫn đến việc thực thi các chính sách, pháp luật còn chậm, kém hiệu lực hiệu quả, thiếu đồng bộ và gây áp lực rất lớn lên ngân sách Nhà nước.

Thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế nước

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi; những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan; những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới và kết hợp với nghiên cứu xu thế phát triển quản lý tài nguyên nước và các kinh nghiệm quốc tế, Bộ TN&MT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tài chính về tài nguyên nước.

Theo ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của việc sửa đổi nội dung “tài chính về tài nguyên nước” là nhằm tính đúng, tính đủ giá trị sử dụng nước góp phần bảo đảm giá trị tài sản công; nâng cao nhận thức, tăng cường việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; giảm thất thoát, lãng phí nước và tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy một cách hợp lý để khuyến khích quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động tạo nguồn sinh thủy.

Với các mục tiêu đó, nội dung chính sách bổ sung quy định đầy đủ các khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước khi sử dụng nước như sử dụng các tài sản khác và quyền, nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản này nhằm làm rõ giá trị kinh tế, giá trị hàng hóa (ngoài giá trị xã hội) và nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Tại các Hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan soạn thảo về nội dung tài chính tài nguyên nước trong dự thảo Luật.

Góp ý cho nội dung này, các đại biểu cho rằng, quy định giá tính thuế tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ các yếu tố: mục đích sử dụng, mức độ khan hiểm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế, xã hội trong khu vực. Đồng thời, quy định dẫn chiếu “Việc ban hành, tổ chức thực hiện thuế, phí về tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí” để bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước, cụ thể: sửa đổi, bổ sung đối tượng tính tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước (tính tiền cấp quyền đối với các trường hợp khai thác sử dụng nước cho nông nghiệp, kinh doanh cấp nước sinh hoạt, không tính tiền cấp quyền với các trường hợp khai thác, sử dụng nước biển; khai thác, sử dụng nước với hình thức ngăn sông, suối, kênh, rạch không gắn với lưu lượng khai thác của công trình); quy định căn cứ xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải tính đến các yếu tố: số lượng, chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác.

Một số chuyên gia kiến nghị cần bổ sung quy định “Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động về bảo vệ, phát triển, tích trữ nước; cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.”

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng kiến nghị bổ sung các công cụ kinh tế mới như chi trả các dịch vụ liên quan đến tài nguyên nước để thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế nước, xem nước là hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường, xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước có sự tham gia điều tiết, quản lý của Nhà nước…

Nguyễn Thủy